Thực hiện phân công Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số
1427/QĐ- TTg ngày 24 tháng 8 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Để bảo đảm việc xây dựng dự án Luật nêu trên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin đăng tải công khai dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.
1. Bố cục
Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Các chương được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, gồm 17 điều (từ Điều 14 đến Điều 30).
Chương III. Địa giới hành chính và Điều tra cơ bản về đất đai, gồm 06 điều (từ Điều 31 đến Điều 36).
Chương IV. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm 17 điều (từ Điều 37 đến Điều 53).
Chương V. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gồm 12 điều (từ Điều 54 đến Điều 65).
Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất, gồm 13 điều (từ Điều 66 đến Điều 78).
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm 22 điều (từ Điều 79 đến Điều 100).
Chương VIII. Phát triển quỹ đất, gồm 06 điều (từ Điều 101 đến Điều 106).
Chương IX. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đấtơ, gồm 17 điều (từ Điều 107 đến Điều 123).
ChươngX. Tài chính đất đai, giá đất, gồm 10 điều (từ Điều 124 đến Điều 133).
Chương XI. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, gồm 06 điều (từ Điều 134 đến Điều 139).
ChươngXII. Chế độ sử dụng các loại đất, gồm 49 điều (từ Điều 140 đến Điều 188).
Chương XIII. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, gồm 28 điều (từ Điều 189 đến Điều 216)
.
Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai, gồm 04 điều (từ Điều 217 đến Điều 220).
Chương XV. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
pháp luật về đất đai, gồm 14 điều (từ Điều 221 đến Điều 234).
ChươngXVI. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 235 đến Điều 237).
2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới, cụ thể:
(1) Hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 03 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
(2) Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc. Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.
(3) Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương, các cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trân tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
(4) Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi. Tiếp tục vận hành các cơ chế chuyển dịch tự nguyện theo thể chế kinh tế thị trường thông qua cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất. Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng Dự thảo Luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
(5) Chuyển trọng từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai; quản lý dựa vào kết quả và mục tiêu cuối cùng. Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của Hội đồng nhân dân; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
(6) Tiếp tục hoàn thiện các quyền nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
(7) Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích v.v. Hoàn thiện các cơ chế để Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất,...
>>> Kéo xuống để xem thêm
>>> Xem toàn văn Dự thảo trong file đính kèm