DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hoàng Thịnh KHÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG cho Hùng Dũng

Avatar

 

Va chạm giữa Hoàng Thịnh và Hùng Dũng

Vụ việc vừa xảy ra giữa hai cầu thủ bóng đá của ĐTQG Việt Nam đang làm xôn xao cộng đồng mạng, kéo theo đó là rất nhiều những bình luận, thắc mắc với đủ mọi quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, mình xin khẳng định nếu áp dụng pháp luật dân sự của Việt Nam. Hoàng Thịnh sẽ không phải bồi thường cho Hùng Dũng trong trường hợp này!

Trước tiên, phải khẳng định rằng trong điều lệ của giải đấu bóng đá Vô địch quốc gia Việt Nam do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức, áp dụng các điều 39, 46 trong quy định kỷ luật của VFF thì mức án phạt của Hoàng Thịnh cao nhất là phải bồi thường từ 40 triệu đồng trở lên, bị cấm thi đấu đến 24 tháng hoặc vĩnh viễn.

Tuy nhiên, nếu Hùng Dũng đem vụ việc này ra Tòa án để yêu cầu áp dụng quy định pháp luật về Dân sự giải quyết việc đền bù, vụ việc này phải giải quyết ra sao?

Căn cứ đòi bồi thường

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

3 yếu tố quan trọng để làm căn cứ bồi thường bao gồm:

(1) Có hành vi trái pháp luật (hành vi xâm phạm)

(2) Có thiệt hại

(3) Hành vi xâm phạm “gây ra” thiệt hại – nói một cách khoa học là có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả.

Trong trường hợp này, yếu tố (2) và (3) được nhận thấy rõ ràng, tuy nhiên hành vi vào bóng của Hoàng Thịnh có phải là hành vi trái pháp luật hay không thì vẫn còn gặp phải nhiều tranh cãi.

Nghị quyết 06/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Dân sự Việt Nam. Trong đó có giải thích:

“Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.”

Như vậy, có quy định nào cho thấy việc vào bóng của Hoàng Thịnh là trái pháp luật không?

Theo quy định tại Điều 10 Luật Thể dục thể thao 2006, các hành vi “bạo lực trong thể thao” bị nghiêm cấm. Hướng dẫn điều này, Điều 3 Nghị định 112/2007/NĐ-CP có định nghĩa:

“3. Hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao:

a) Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao;”

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây là Hoàng Thịnh có cố ý gây chấn thương cho đồng nghiệp hay không?

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đúng là đã có trường hợp Quế Ngọc Hải vào bóng thô bạo với Trần Anh Khoa năm 2015 và đã từng bị VFF kết luật là “hành vi cố tình xâm phạm thân thể gây thiệt hại đến sức khỏe” (Quyết định 403-QĐ-LĐBĐVN ngày 15/9/2015).

Có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định của pháp luật dân sự, rất khó xác định rằng đây là hành vi cố ý, bởi lẽ thực tế trong thể thao, những va chạm mạnh xảy ra không hề ít và các yếu tố chủ quan như lỗi cố ý phải được xem xét trong những hoàn cảnh cụ thể.

Trong thể thao, mục đích của tất cả các cầu thủ đều là giành lấy lợi thế khi thi đấu, đôi lúc những động tác không được kiểm soát có thể gây ra thiệt hại, tuy nhiên bản chất của thiệt hại gây ra trong thể thao lại khác với việc cố ý gây thương tích, gây thiệt hại về sức khỏe theo quy định của Bộ luật Dân sự vì nó không hướng đến việc gây thiệt hại mà chỉ đơn thuần là thi đấu với nhau về sức khỏe.

Hiểu đơn giản hơn: Khi thi đấu các môn võ thuật, chắc chắn sẽ có thương tích xảy ra, tuy nhiên không thể yêu cầu đòi bồi thường sau khi thi đấu!

Tuy nhiên, phải nói rằng việc Hoàng Thịnh là một cầu thủ chuyên nghiệp, đã thi đấu nhiều trận đấu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao chắc chắn sẽ làm cầu thủ này hiểu rõ rằng pha vào bóng của mình là cẩu thả, có thể gây chấn thương rất nặng cho đồng đội.

Cho dù Hoàng Thịnh không mong muốn nhưng đã để mặc cho thiệt hại xảy ra, đây là căn cứ để xác định anh có “lỗi cố ý” – là trường hợp “một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra” (Nghị quyết 03/2016).

Dưới góc độ cá nhân, mình cho rằng cần phải xác định Hoàng Thịnh là người có lỗi trong trường hợp này và phải bồi thường! Bằng cách này, các cầu thủ, vận động viên sẽ phải ý thức hơn nữa việc bảo vệ sức khỏe lẫn nhau trong khi thi đấu thể thao.

Vậy Hoàng Thịnh sẽ phải đứng ra bồi thường?

Kể cả khi xác định Hoàng Thịnh là người sẽ phải bồi thường trong trường hợp này, ta cần lưu ý quy định tại Điều 597 Bộ Luật dân sự 2015, theo đó:

"Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật."

Ở đây, việc thi đấu thể thao cho câu lạc bộ bóng đá chủ quản chính là việc bạn đang thực hiện hợp đồng lao động, là người của Pháp nhân, chính vì vậy trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về chủ câu lạc bộ chứ không phải bản thân cầu thủ.

Hoàng Thịnh có thể sẽ phải hoàn trả tiền cho đội bóng của mình, tuy nhiên trách nhiệm bồi thường là của CLB TP. HCM.

Mời các bạn đóng góp ý kiến!

  •  1991
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…