DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không?

Avatar

 

Có nhiều người dùng mở thẻ ngân hàng nhưng sau một thời gian dài không sử dụng tự nhiên nhận được thông báo một khoản phí và phải trả lại cho ngân hàng. Vậy, những khoản phí này là gì? Người dùng có bắt buộc phải trả phí đó khi không sử dụng thẻ nữa không?

Thẻ ngân hàng là gì?

Theo thông tin được đăng tải trên Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khái niệm Thẻ ngân hàng (thường được gọi tắt là “thẻ”): Là phương tiện do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận.

Các tổ chức phát hành thẻ hiện nay bao gồm các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và một số công ty tài chính.

Các phân loại thẻ ngân hàng theo nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ, bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

1) Thẻ ghi nợ

- Thẻ ghi nợ (debit card) là loại thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của chủ thẻ mở tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép nhận tiền gửi không kỳ hạn

- Để rút tiền tại thẻ này, khách hàng có thể đến quầy giao dịch ngân hàng hoặc rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán của chủ thẻ tại các máy giao dịch tự động (ATM). Chủ thẻ chỉ cần đến máy ATM (của ngân hàng mình hoặc các ngân hàng có liên kết), thực hiện thao tác đút thẻ vào máy, nhập mã số bảo mật PIN, nhập số tiền cần rút và nhận tiền. 

- Thẻ ghi nợ là loại thẻ ngân hàng phổ biến nhất. Chính vì thẻ này rút tiền ở các cây ATM người dùng hay gọi là thẻ ATM. 

Tuy nhiên, trên thực tế thẻ ATM được sử dụng với mục đích chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt.... Thẻ ATM là tên gọi chung của phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do ngân hàng phát hành. Thẻ ATM bao gồm cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Đa số người tiêu dùng hiện nay đang nhầm lẫn thẻ ghi nợ là thẻ ATM, vì thẻ ghi nợ thường được sử dụng phổ biến tại cây ATM hơn là thẻ tín dụng. Như vậy, thẻ ghi nợ chỉ là 1 trong những loại thẻ ATM.

2) Thẻ tín dụng 

- Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.

- Thông thường, thẻ tín dụng được ngân hàng cấp cho chủ thẻ với một hạn mức nhất định dựa trên cơ sở đánh giá và thẩm định uy tín tín dụng, mức lương hàng tháng của chủ thẻ hoặc số tiền ký quỹ hay tài sản mà chủ thẻ đảm bảo tại ngân hàng. 

- Với đặc điểm là “chi tiêu trước, trả tiền sau”, thẻ tín dụng hỗ trợ đắc lực cho chủ thẻ thực hiện nhanh chóng các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ hay trên các website thương mại điện tử.

- Định kỳ đến một ngày nhất định theo quy định của từng ngân hàng, ngân hàng gửi một bảng kê cụ thể các khoản chi tiêu trong tháng trước đó của chủ thẻ tín dụng và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. 

Chủ thẻ có thể chọn thanh toán số tiền trước thời hạn ghi trong thông báo, khi đó chủ thẻ không phải trả lãi. Nếu không, chủ thẻ có thể lựa chọn trả số tiền tối thiểu, phần còn lại có thể trả từ từ và sẽ bị tính lãi theo quy định của ngân hàng.

- Các ngân hàng thường phân thẻ tín dụng theo hạng nhằm quản lý đối tượng khách hàng như thẻ chuẩn (standard), thẻ vàng (gold), thẻ bạch kim (platinum)… Chủ thẻ sử dụng thẻ tín dụng có phân hạng càng cao thì được hưởng càng nhiều ưu đãi và dịch vụ chất lượng hơn.

3) Thẻ trả trước

- Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền mà chủ thẻ đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ. 

Có nghĩa là, khi chủ thẻ có một chiếc thẻ trả trước thì có thể “nạp tiền” vào thẻ qua các kênh của ngân hàng và chi tiêu trên số tiền đã nạp đó.

- Thẻ trả trước bao gồm thẻ trả trước xác định danh tính (thẻ trả trước định danh) và thẻ trả trước không xác định danh tính (thẻ trả trước vô danh).

Điểm khác biệt cơ bản về tính năng giữa thẻ trả trước vô danh và thẻ trả trước định danh là sau lần nạp tiền lần đầu, thẻ trả trước vô danh sẽ không được nạp thêm tiền và chỉ được sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ, số dư trên một thẻ trả trước vô danh không được vượt quá năm triệu đồng Việt Nam theo quy định hiện hành.

Khi không sử dụng thẻ ngân hàng nữa có phải tiếp tục trả phí không?

Các loại phí khi sử dụng thẻ

Theo Điều 5 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định chỉ tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) được thu phí của chủ thẻ. TCPHT thu phí theo Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí đã công bố.

Như vậy, các loại phí dịch vụ sẽ phụ thuộc vào TCPHT, thông thường sẽ có các loại phí như sau:

- Phí phát hành thẻ

- Phí thường niên

- Phí phạt thanh toán dư nợ

- Lãi suất dư nợ

Trường hợp đã mở thẻ nhưng chưa kích hoạt

Điều này xảy ra khi người dùng đã đăng ký mở thẻ và nhận thẻ cứng về tay nhưng chưa thực hiện kích hoạt thẻ, đổi mã PIN qua Mobile Banking hoặc ATM lần nào.

Ở trường hợp này, người dùng sẽ cần phải chi trả khoản phí đăng ký mở thẻ khoảng từ 300.000 - 2.000.000 VND và phí giao thẻ tín dụng khoảng 20.000 - 30.000 VND. Ngoài ra, người dùng sẽ không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khác do chưa kích hoạt hay sử dụng thẻ.

Tùy theo chính sách, một vài ngân hàng sẽ miễn phí phí phát hành và phí giao thẻ cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Trường hợp đã kích hoạt thẻ nhưng chưa từng sử dụng

Đây là trường hợp người dùng đã đăng ký mở thẻ, đã nhận thẻ cứng và đã thực hiện thao tác kích hoạt thẻ thông qua ứng dụng Mobile Banking hoặc ATM thành công nhưng chưa từng sử dụng thẻ để thanh toán hay giao dịch. 

Trong trường hợp này, người dùng sẽ cần phải chi trả những khoản phí sau đây:

- Phí phát hành thẻ: Là khoản phí phát sinh ngay khi đăng ký thẻ, thông thường khoản phí này sẽ dao động từ 300.000 - 2.000.000 VND tuỳ vào chính sách của mỗi ngân hàng.

- Phí giao thẻ: Nếu đăng ký mở thẻ online, tại một vài ngân hàng, người dùng sẽ phải chi trả thêm khoản phí này để được nhận thẻ cứng. Khoản phí này thường rơi vào 20.000 - 30.000 VND tùy khu vực.

- Phí thường niên: Khoản phí bắt buộc chủ thẻ cần thanh toán để có thể duy trì thẻ được hoạt động bình thường mỗi năm. Khoản phí này thường dao động từ 500.000 - 2.000.000 VND/năm.

Một vài ngân hàng có chính sách miễn phí phí phát hành và hoàn phí thường niên nếu khách hàng đạt điều kiện chi tiêu. 

Trường hợp đã sử dụng thẻ nhưng hiện tại đang dừng sử dụng  

Đây là trường hợp người dùng đã kích hoạt và sử dụng thẻ để thanh toán/giao dịch một khoảng thời gian nhưng sau đó đã ngừng sử dụng do nhiều nguyên nhân. Tại trường hợp này, người dùng sẽ cần phải chi trả tất cả những khoản phí được liệt kê ở trên và có thể kèm thêm khoản phí phạt thanh toán dư nợ. 

Trong trường hợp người dùng vẫn đang nợ, chưa trả hết khoản này thì khách hàng sẽ phải chi trả thêm 1 khoản phí phạt trả chậm dư nợ khoảng 5% và lãi suất khoảng 20 - 40% tổng số dư nợ của bạn. 

Như vậy, tùy vào mỗi trường hợp mở thẻ tín dụng mà người dùng sẽ phải thanh toán các khoản phí khác nhau. Do đó, nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ nữa, khách hàng nên liên hệ tới ngân hàng để được tư vấn hỗ trợ.

Nên làm gì khi không dùng thẻ ngân hàng nữa?

Nếu không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng, bạn nên khóa hoặc hủy tài khoản ngân hàng ngay lập tức để tránh các khoản phí và chịu ảnh hưởng khi không dùng.

1) Khóa tài khoản tạm thời

Nếu chỉ không sử dụng tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định và có thể sử dụng lại trong tương lai thì chỉ nên khóa tài khoản tạm thời. Với chức năng này, khi bạn muốn sử dụng lại thì chỉ cần thực hiện các thao tác kích hoạt lại để mở khóa tài khoản.

Lưu ý, việc khóa tài khoản tạm thời thì những khoản phí như: Phí quản lý tài khoản, phí thường niên, phí SMS Banking…vẫn sẽ được tính như thông thường.

2) Ngừng đăng ký dịch vụ tiện ích

Nếu vẫn muốn duy trì tài khoản ngân hàng nhưng lại không muốn trả các khoản phí dịch vụ tiện ích đi kèm thì có thể tới trực tiếp ngân hàng để hủy dịch vụ SMS Banking, Internet Banking, Mobile Bank…mà tài khoản đã đăng ký trước.

Sau khi hủy dịch vụ, bạn sẽ không phải trả phí duy trì hàng tháng cho những tiện ích này nữa mà chỉ phải trả duy nhất khoản phí duy trì tài khoản.

3) Khóa tài khoản ngân hàng vĩnh viễn

Nếu bạn đã không còn muốn sử dụng dịch vụ của ngân hàng để giao dịch nữa thì nên hủy tài khoản ngân hàng vĩnh viễn để không phải trả các khoản phí dịch vụ đi kèm.

Việc đóng tài khoản này có nghĩa là bạn sẽ chấm dứt mọi hoạt động liên quan tới ngân hàng đã đăng ký phát hành tài khoản trước đó. Tài khoản, thẻ ATM sẽ không còn được hoạt động nữa. 

Sau khi hủy toàn bộ tài khoản thì bạn cũng không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.

Như vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình sau khi không sử dụng thẻ ngân hàng nữa, người dùng nên liên hệ đến ngân hàng để huỷ thẻ và được nhân viên tư vấn. 

Xem thêm: Kể tên các loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng!

  •  68614
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…