DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thành ngữ "tham thì thâm" có nghĩa là gì? Tội nhận hối lộ đi tù bao nhiêu năm?

Avatar

 
Câu thành ngữ "tham thì thâm" được hiểu là như thế nào? Người phạm tội nhận hối lộ thì bị đi tù bao nhiêu năm? 

Thành ngữ "tham thì thâm" có nghĩa là gì?

"Tham thì thâm" là một câu thành ngữ quen thuộc trong Tiếng Việt.

"Tham" có thể hiểu là tham lam, ám chỉ việc khao khát, ước muốn một cách quá đáng, không biết đủ, luôn muốn có nhiều hơn những gì mình đang có, thường mang tính tiêu cực. Còn "thâm" ý muốn nói đến hậu quả nặng nề mà người "tham" phải gánh chịu.

Như vậy, câu thành ngữ "tham thì thâm" ý chỉ những người có lòng tham lam, hám lợi, dần đánh mất đi giá trị của bản thân, cuối cùng cũng gặp phải những rắc rối, hậu quả khôn lường do chính lòng tham của mình gây ra.

Hành vi nhận hối lộ chính là minh chứng rõ nhất cho câu thành ngữ "tham thì thâm", biểu hiện ở việc ham muốn tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực. Từ đó, con người có thể mất đi lý trí, hành động một cách mù quáng, không lường trước được hậu quả, bất chấp pháp luật do không kiểm soát được hành vi của bản thân. Điều này dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, bao gồm cả việc phải đối mặt với pháp luật.

Tội nhận hối lộ đi tù bao nhiêu năm?

Cụ thể, căn cứ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, đối với tội nhận hối lộ thì người phạm tội phải đối mặt với 04 khung hình phạt như sau:

- Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương 22 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Lợi ích phi vật chất.

- Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức.

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

+ Phạm tội 02 lần trở lên.

+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước.

+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

- Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

- Khung hình phạt 4: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ chủ động nộp lại số tiền nhận hối lộ có được giảm án không?

Căn cứ theo điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Tử hình

...

- Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Người đủ 75 tuổi trở lên;

+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

- Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Như vậy, trường hợp người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình mà được chuyển thành tù chung thân.

Tóm lại, câu thành ngữ "tham thì thâm" là bài học nhắc nhở về hậu quả nghiêm trọng của lòng tham, vì vậy, chúng ta nên học cách trân trọng với những gì mình đang có, học cách kiềm soát những mong muốn của bản thân bằng cách đặt ra những mục tiêu phù hợp và cố gắng đạt được bằng chính khả năng của mình.

 

  •  1126
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…