Dịch vụ đòi nợ là dịch vụ mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, công ty, tập đoàn ủy quyền cho tổ chức được pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoạt động đòi nợ trong khuôn khổ pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì dịch vụ đòi nợ thuê thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Cụ thể, tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
Đồng thời, khoản 5 Điều 77 Luật đầu tư năm 2020 quy định như sau:
“Điều 77. Quy định chuyển tiếp
…
5. Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Theo quy định trên, dịch vụ đòi nợ thuê không được đầu tư, kinh doanh, các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 01/01/2021 phải thanh lý, doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.
Mặc dù pháp luật cấm dịch vụ đòi nợ nhưng các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn vẫn có quyền đòi nợ. Bởi thủ tục thu hồi nợ là một trong các thủ tục hợp pháp để bảo vệ tài sản, tài chính hợp pháp của doanh nghiệp.