Những ai được quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc? Thân nhân được ủy quyền cấp bản sao từ sổ gốc thì có bắt buộc xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ? Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Những ai được quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về những cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc bao gồm:
- Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
- Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
- Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.
Như vậy, khi thuộc một trong những đối tượng như đã nêu trên thì cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc.
(2) Thân nhân được ủy quyền cấp bản sao từ sổ gốc thì có bắt buộc xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau:
- Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/CCCD hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.
- Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc ngoài cá nhân, tổ chức được cấp bản chính ra thì những đối tượng như đã có nêu tại mục (1) thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.
Như vậy, trường hợp thân nhân của được ủy quyền để thực hiện thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc bắt buộc xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.
(3) Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính như thế nào?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 01/2020/TT-BTP có quy định về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính như sau:
- Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.
Trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi yêu cầu chứng thực bản sao.
Tuy nhiên, cũng ngoại trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
- Trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực. Ngoại trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp.
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao. Trường hợp nếu nội dung bản sao đúng với bản chính, bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì thực hiện như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng, chứng thực bản sao từ bản chính theo mẫu quy định.
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Trường hợp bản sao có từ 02 trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.
Như vậy, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính thì cần phải tuân theo thủ tục như đã nêu trên.