Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Tôi là lao động tự do, không đi làm công ty nên không có đóng BHXH bắt buộc chỉ tham gia BHXH tự nguyện. Vậy nếu như sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản hay không? Nếu được thì mức hưởng như thế nào?
Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không?
Khi kỳ nghỉ thai sản trùng với các ngày lễ, Tết, liệu có được hưởng thêm lương hay không? Cùng tìm hiểu câu trả lời chính xác qua bài viết dưới đây nhé! (1) Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không? Theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Giỗ Tổ Hùng Vương,...v.v. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ thai sản. Vì vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, liệu người lao động có được nhận tiền chế độ thai sản từ BHXH cùng với tiền lương trong những ngày nghỉ lễ hay không? Nếu không, người lao động sẽ gặp bất lợi khi mất đi một ngày nghỉ hưởng nguyên lương. Liên quan đến vấn đề này, khoản 7 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Như vậy, ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, có thể hiểu là khi nghỉ chế độ thai sản thì các mức hưởng của chế độ thai sản sẽ không tính cho mức hưởng của các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết. Vì thế, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc trước ngày nghỉ lễ (ví dụ: thời gian kết thúc nghỉ thai sản là ngày 29/4, đến 30/4 nghỉ lễ) thì người lao động sẽ được nghỉ lễ hưởng nguyên lương, vì lúc này ngày nghỉ lễ được xem là ngày nghỉ có hưởng lương không phải ngày nghỉ thai sản. Ngược lại, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc sau ngày nghỉ lễ, tức thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ thì người lao động sẽ chỉ nhận được khoản tiền chế độ thai sản từ BHXH mà không được hưởng thêm lương trong những ngày lễ, vì ngày nghỉ lễ đã được tính vào thời gian nghỉ thai sản. Tổng kết lại, khi thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, người lao động sẽ không được hưởng lương ngày lễ. Điều này có thể tạo ra sự bất lợi cho người lao động, vì họ sẽ không nhận được khoản lương tương ứng cho ngày nghỉ lễ trong thời gian nghỉ thai sản. Do đó, người lao động cần lưu ý về thời gian nghỉ thai sản của mình để có thể lập kế hoạch tài chính hợp lý và tránh mất quyền lợi trong những dịp lễ, tết. (2) Người lao động có những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ lễ, nghỉ tết trong các ngày sau dây: - Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); - Tết Âm lịch: 05 ngày; - Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); - Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); - Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Theo đó, khi đến những ngày này, người lao động sẽ được nghỉ việc, hưởng nguyên tiền lương như một ngày làm việc bình thường. Ngoài ra, nếu lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ nêu trên, người này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ. (3) Người lao động được nghỉ chế độ thai sản bao lâu? Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người lao động được quy định như sau: Đối với lao động nữ: - Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. - Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đối với lao động nam: - Khi vợ sinh con, được nghỉ 05 ngày làm việc; - Trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày làm việc - Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; - Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho lao động nam chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Rút ngắn thời gian giải quyết hưởng chế độ thai sản, ốm đau từ 01/7/2025
Từ ngày 01/7/2025, thời gian quyết hưởng chế độ thai sản trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản được rút ngắn theo quy định hiện tại. Rút ngắn thời gian giải quyết hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025 Tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về việc Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: - Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kèm theo hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Người lao động nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong trường hợp thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc không còn người sử dụng lao động. - Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Như vậy, người sử dụng lao động phải lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kèm theo hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 07 ngày làm việc thay vì 10 ngày làm việc như quy định hiện tại. Đồng thời, quy định mới cũng nêu cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động (quy định hiện tại nêu giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ). Thời gian quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Tại Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đề cập đến việc Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản như sau: - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy định này cũng có sự khác biệt so với quy định hiện tại khi mà thời hạn đề cập là 10 ngày (bao gồm trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội) chứ không phải 07 ngày làm việc như quy định mới. Ngoài ra, thời gian giải quyết chế độ ốm đau cũng được rút ngắn theo quy định mới. Cụ thể theo Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: - Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ khi khám thai từ ngày 01/7/2025
Từ ngày 01/07/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, theo đó liên quan đến chế độ thai sản có nhiều sự thay đổi trong đó tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ khi khám thai. Số lần đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Quy định nêu trên có sự thay đổi so với quy định hiện tại khi số nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau đây: - 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; - 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; - 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi; - 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đối với trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Quy định mới về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau: + 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; + 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; + 05 ngày đối với trường hợp khác. Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu. Không áp dụng quy định về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định. Như vậy, trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nêu rõ trường hợp nếu đi làm sớm sau sinh (đủ điều kiện đi làm theo quy định) thì sẽ không được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản.
Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu?
Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu? Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu? Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau: “4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;” Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng có nêu rõ, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ 30 phút mỗi ngày tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Có thể thấy, 02 chế độ nghỉ nêu trên là 02 chế độ hoàn toàn khác nhau, theo đó, đối với trường hợp lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng mà cùng lúc bị hành kinh thì ngoài 60 phút nghỉ trong thời gian làm việc thì còn được cộng thêm 30 phút nghỉ ngơi chế độ hành kinh theo quy định như đã nêu trên. (2) Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không? Thông thường, lao động nữ sẽ có thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng. Theo đó, trường hợp muốn đi làm trước thời gian này, lao động nữ cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019 như sau: - Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng hưởng chế độ thai sản; - Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động; - Được người sử dụng lao động đồng ý. Như vậy, trường hợp lao động nữ đã nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản sẽ được đi làm sớm nếu có xác nhận của cơ quan y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý. (3) Lao động nữ được hưởng những khoản tiền nào khi nghỉ thai sản? Hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản, lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như sau: Trợ cấp một lần khi sinh con: Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Theo đó, tiền trợ cấp một lần/con = 02 x Mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là mức tại tháng lao động nữ sinh con) Tiền hưởng chế độ thai sản: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau: “1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;” Theo đó, tiền chế độ thai sản 1 tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Mức tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Căn cứ khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính như sau: Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh/01 ngày = 30% x Mức lương cơ sở. Như vậy, hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản thì lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như đã nêu trên.
Không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?
Chế độ thai sản và dưỡng sức sau sinh là những quyền lợi quan trọng đối với lao động nữ sau khi sinh con. Nếu không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, liệu lao động nữ có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không? (1) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản Trước tiên là về đối tượng được hưởng chế độ thai sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, những đối tượng được quy định tại điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Lao động nữ mang thai; (ii) Lao động nữ sinh con; (iii) Lao động nữ mang thai hộ; (iv) Lao động nữ nhờ mang thai hộ; (v) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; (vi) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (vii) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con Ngoài ra, các đối tượng (ii), (iii), (iv) và (v) phải đảm bảo thêm điều kiện đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. Như vậy, trường hợp lao động nữ mang thai, sinh con mà không đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, sau khi sinh con, phụ nữ đều cần thời gian để nghỉ ngơi, dưỡng sức, vậy trường hợp lao động nữ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh không? (2) Không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không? Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định: Không áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 Như vậy, dựa trên các quy định trên, nếu lao động nữ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Việc này là do các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chỉ áp dụng cho những lao động đã hưởng chế độ thai sản và chưa phục hồi sức khỏe. Do đó, lao động nữ cần đảm bảo đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản nếu muốn có quyền lợi về chế độ dưỡng sức sau sinh. (3) Người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh trong bao lâu? Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh được xác định như sau: Thời gian nghỉ tối đa: - 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên. - 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật. - 05 ngày đối với các trường hợp khác. Theo đó, việc quyết định số ngày được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh của người lao động do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Nếu có ý kiến khác nhau, người sử dụng lao động sẽ quyết định dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn. Trong trường hợp không có công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự quyết định. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh, người lao động được hưởng hưởng lương với mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.
Đóng BHXH sau khi mang thai có được hưởng chế độ thai sản không?
Việc tham gia BHXH giúp cho người lao động được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó chế độ thai sản. Tuy nhiên, liệu có thai rồi mới đóng BHXH có được hưởng chế độ thai sản hay không? >>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (1) Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không? Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách, đặc biệt đối với những người phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động. Để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, trẻ nhỏ và tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm làm việc, pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều quyền lợi, chế độ thiết thực dành cho đối tượng này. Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ thai sản đó, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và phải đáp ứng được các điều kiện về thời gian đóng BHXH trước thời điểm sinh con. Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con. Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau: - Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. - Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Ví dụ 1: Chị A sinh con ngày 18/01/2024 và tháng 01/2024 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2023 đến tháng 01/2024 Ví dụ 2: Chị B sinh con ngày 12/01/2024 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023 Như vậy, trong khoảng thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con mà chị A và chị B đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì chị A và chị B được hưởng chế độ thai sản. Tổng kết lại, nếu có thai rồi mới đóng BHXH, người lao động phải đảm bảo thời gian đóng BHXH là đủ 6 tháng trở lên, hoặc từ đủ 3 tháng trở lên khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai trong thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản. Từ 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên điều kiện về thời gian tham gia BHXH để được được hưởng chế độ thai sản vẫn được giữ nguyên như các quy định hiện hành nêu trên. (2) Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản như thế nào theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024? Căn cứ theo các quy định tại Mục 2 Chương V (từ Điều 50 đến Điều 63) Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ sinh con được hưởng các chính sách sau đây khi đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp trên phụ thuộc vào tuần tuổi của thai nhi, cụ thể: - 0 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi - 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi - 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi - 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên Bên cạnh đó, trường hợp mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con Lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo thời gian được quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019, tức là: - Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. - Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trợ cấp một lần khi sinh con Theo đó, lao động nữ sinh con đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản sẽ được trợ cấp một lần khi sinh con, mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, lao động nữ chưa phục hồi sức khoẻ thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do NSDLĐ và Ban Chấp hành cơ sở quyết định, tuy nhiên thời gian nghỉ tối đa được quy định như sau: - 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên - 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật - 05 ngày đối với trường hợp khác. Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?” và một số chính sách, trợ cấp mới cho lao động nữ khi nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025. >>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không?
Theo quy định thì lao động nam tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Vậy lao động nam có thời gian phép trùng với thời gian nghỉ thai sản có được chi trả chế độ thai sản trong thời gian nghỉ phép hay không? Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không? Theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung khoản 5 vào Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối với trường hợp: - Người lao động đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ; - Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam sẽ không được trả chế độ thai sản. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam như sau: - Người lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; + Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; + Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. - Riêng với lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trong đó, thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi được xác định như sau: + Trường hợp nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. + Trường hợp nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định phía trên.. - Người lao động đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc mà nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi (phải đóng từ đủ 6 tháng trở lên), triệt sản hay có vợ sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Lao động nam có được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai không? Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau: - Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. - Thời gian nghỉ việc khám thai hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Như vậy, chế độ khám thai chỉ áp dụng với lao động nữ. Theo đó, lao động nam sẽ không được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai.
Mang thai phải đi làm đóng BHXH ít nhất mấy tháng nữa mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh?
Phụ nữ đi làm đóng BHXH khi mang thai sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh nhưng phải đảm bảo đủ thời gian đóng BHXH theo quy định. Có không ít trường hợp muốn biết là nếu đang mang thai mà nghỉ việc sớm thì liệu rằng có thể được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không? Và cần phải đóng BHXH ít nhất mấy tháng trước khi sinh để được hưởng chế độ? Mang thai phải đi làm đóng BHXH ít nhất mấy tháng nữa mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh? Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: "1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: … b) Lao động nữ sinh con; … 2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này." Từ các quy định được nêu trong Điều 31 này thì có một số quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con cần lưu ý như sau: Thứ nhất, trong trường hợp thông thường người lao động nữ mang thai vẫn đi làm đóng bảo hiểm xã hội bình thường thì điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi sinh con ít nhất là 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi người lao động nữ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thứ hai, trong trường hợp theo chỉ định của bác sĩ người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất là 03 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Nhưng kèm theo điều kiện là đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ít nhất là 12 tháng trở lên. Thứ ba, người lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo như hai trương hợp trên nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Như vậy, nếu như người lao động nữ mang thai mà muốn nghỉ việc để dưỡng thai thì cần chú ý thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đã phân tích để đảm bảo rằng khi nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Trường hợp quyết định nghỉ nhưng không đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm cũng như điều kiện khác thì sẽ không được hưởng chế độ. Giả sử người lao động nữ đang mang thai được 01 tháng rưỡi, dự định sinh vào đầu tháng 3/2025, nếu thời điểm này người lao động xin nghỉ việc luôn thì số tháng đóng bảo hiểm xã hội của người này trong vòng 12 tháng trước khi sinh con tính từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025 là được nhiều nhất là đóng được tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7/2024, tổng cộng là 5 tháng nếu tháng 7 vẫn được đóng BHXH hoặc là hết tháng 7 người lao động nữ mới nghỉ. Như vậy, trường hợp này người lao động nữ mới chỉ đóng được 05 tháng bảo hiểm thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nếu như không thuộc trường hợp phải nghỉ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu như không thuộc trường hợp chỉ định phải nghỉ thì người lao động này cần làm thêm ít nhất là đến hết tháng 8/2024 thì mới đủ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội để khi nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh. Còn trường hợp nghỉ theo chỉ định của bác sĩ thì đã đủ điều kiện đóng bảo hiểm trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, nhưng cần lưu ý rằng người lao động nữ này phải có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên thì mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Quy định hiện nay, lao động nữ được nghỉ ít nhất mấy tháng trước khi sinh con mà vẫn được hưởng chế độ thai sản? Theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Theo đó, người lao động nữ được nghỉ trước khi sinh tối đa là 02 tháng, tức mang thai tháng thứ 7 thì người lao động được nghỉ thai sản.
Từ ngày 01/7/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản
Ngày 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật BHXH sửa đổi. Theo đó, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản Theo Điều 4 Luật BHXH năm 2014 thì bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, Luật BHXH sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào ngày 01/7/2025 đã bổ sung thêm chế độ trợ cấp thai sản đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây được xem là điểm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bởi vì hiện nay số lượng người tham gia loại bảo hiểm này rất ít. (1) Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện Đối với điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, theo Điều 98 Luật BHXH quy định như sau: Đối tượng quy định tại Điều 97 của Luật BHXH sửa đổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Lao động nữ sinh con. + Lao động nam có vợ sinh con. - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con. - Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 98 thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 99. - Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 98 vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. - Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. - Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. (2) Trợ cấp thai sản - Trợ cấp thai sản khi sinh con bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu là 2.000.000 đồng cho một con. - Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 99 thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ. - Trợ cấp thai sản quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp tại khoản 1 Điều 99 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. (3) Hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thai sản Căn cứ theo Điều 100 và Điều 101 Luật BHXH quy định về việc hồ sơ và thời gian giải quyết trợ cấp thai sản như sau: - Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau: + Bản sao chứng thực giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao chứng thực giấy chứng sinh của con. + Bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy ra viện trong trường hợp con chết lưu hoặc chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh. + Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật hộ tịch trong trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh. + Giấy tờ khác chứng minh việc sinh con theo quy định của Chính phủ. - Giải quyết hưởng trợ cấp thai sản: - Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 100 của Luật BHXH cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tóm lại,so với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản khi đóng BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, mức trợ cấp thai sản cho loại bảo hiểm này. Luật BHXH (sửa đổi) bao gồm 11 chương với 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con có cần giấy xác nhận của bệnh viện không?
Mang thai là giai đoạn đặc biệt, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe chu đáo cả trước và sau khi sinh. Vậy, nghỉ việc để dưỡng thai có cần giấy xác nhận của bệnh viện không? (1) Lao động nữ có được nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con không? Chính sách bảo vệ phụ nữ mang thai, sinh con là một vấn đề quan trọng được quan tâm trong xã hội hiện đại. Một trong những chế độ hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ mang thai là chế độ nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con. Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con của lao động nữ sinh con là được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Như vậy, theo quy định của pháp bảo, lao động nữ khi mang thai thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con trong 06 tháng, nếu sinh đôi thì được tính thêm 01 tháng. (2) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản của BHXH bao gồm: - Lao động nữ mang thai; - Lao động nữ sinh con; - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Theo đó, để được hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con và lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Đối với lao động nữ sinh con mà đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì còn phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. (3) Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con có cần giấy xác nhận của bệnh viện không? Theo khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thành phần hồ sơ để xin nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bao gồm: - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; - Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; - Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Từ quy định trên có thể khẳng định, lao động nữ nghỉ việc theo chế độ thai sản để dưỡng thai trước sinh con thì phải có giấy xác nhận của bệnh viện, cở sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Bên cạnh đó, lao động nữ cũng phải đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con là quyền lợi chính đáng của lao động nữ mang thai. Để được hưởng chế độ thai sản đầy đủ và đúng quy định, lao động nữ cần nắm rõ các quy định về chế độ nghỉ việc và thực hiện đúng các thủ tục cần thiết.
Người chửa cửa mả là gì? Người mẹ chết sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản thế nào?
Trong nhân gian có câu “người chửa cửa mã” để nói về sự nguy hiểm của người phụ nữ khi sinh con. Vậy trong trường hợp không may người mẹ mất sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản như thế nào? Người chửa cửa mả là một thuật ngữ dân gian Việt Nam, xuất phát từ những quan niệm xưa về quá trình sinh nở và những nguy cơ mà người mẹ phải đối mặt. Đây là một tình trạng đặc biệt và nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến các tình huống pháp lý phức tạp như mẹ chết sau khi sinh con. Trong pháp luật Việt Nam, chế độ thai sản là một phần của bảo hiểm xã hội, được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. (1) Người chửa cửa mả nghĩa là gì? "Người chửa cửa mả" là một cụm từ mang tính hình tượng, gắn liền với quan niệm dân gian về sự mong manh của cuộc sống và cái chết trong quá trình mang thai và sinh nở. "Cửa mã" nghĩa là cửa mộ, ngụ ý rằng người phụ nữ đang đứng trước bờ vực sinh tử. Trong lịch sử, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh rất cao do thiếu kiến thức y khoa và điều kiện chăm sóc y tế hạn chế. Thuật ngữ này được sử dụng để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của quá trình sinh nở khi mà y học chưa phát triển như ngày nay. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ, những người phải đối mặt với rủi ro lớn khi mang trong mình một sinh mạng mới. (2) Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản như thế nào? Căn cứ theo khoản 4,5 và khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ. - Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ. - Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ. - Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Đối với trường hợp quy định tại các điểm b, d và e khoản 2 mà người cha đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 34 quy định như sau: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Tóm lại, trong trường hợp không may người mẹ chết sau khi sinh con thì tùy theo tình trạng cha, mẹ đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội như thế nào mà sẽ được hưởng chế độ thai sản khác nhau. Xem thêm bài viết: Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không?
Lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản có được ký hợp đồng lao động với công ty khác không?
Đang trong thời gian nghỉ thai sản mà lao động nữ muốn ký hợp đồng lao động với một công ty khác thì có được không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau: Hợp đồng lao động là gì? Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về hợp đồng lao động như sau: - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Theo đó hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là bao lâu? Tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Theo đó đối với lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đồng thời thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Lao động nữ nghỉ thai sản, có được ký hợp đồng lao động với công ty khác không? Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau: - Người lao động có các quyền sau đây: + Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. ... Đồng thời căn cứ theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau: - Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. - Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó pháp luật cho phép người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản có thể giao kết hợp đồng với công ty khác tuy nhiên khi tham gia ký kết hợp đồng phải đảm bảo điều kiện thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết và việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Lao động nữ có bị dừng hưởng chế độ thai sản nếu đi làm sớm sau khi sinh con không?
Lao động nữ đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản có bị dừng hưởng chế độ thai sản hay không? Nếu đi làm sớm có được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh không? 1. Đi làm sớm sau khi sinh con có bị cắt tiền chế độ thai sản? Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Đồng thời, căn cứ Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ theo quy định. Lưu ý: Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con phải đáp ứng các điều kiện sau: - Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng. - Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Như vậy, lao động nữ sinh con, được nghỉ việc 06 tháng trước và sau khi sinh hưởng chế độ thai sản. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ theo quy định . Lao động nữ có bị dừng hưởng chế độ thai sản nếu đi làm sớm sau khi sinh con không? (Ảnh minh họa – Nguồn Internet) 2. Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con có được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh không? Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày tùy trường hợp. Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được nhận 30% mức lương cơ sở (hiện nay tương đương 540.000 đồng/ngày). Cụ thể như sau: - Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên. - Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật. - Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng cho lao động nữ đã hưởng xong kỳ nghỉ thai sản. Trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc, nếu sức khỏe còn yếu, họ mới được nghỉ dưỡng sức và phục hồi. Ngược lại, lao động nữ đi làm lại trước khi hết thời gian nghỉ thai sản đã được xác nhận đủ điều kiện sức khỏe. Do đó, lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con sẽ không được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh. 3. Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con có phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đó không? Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, trường hợp lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con năm 2024, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Như vậy, lao động nữ sinh con được nghỉ 06 tháng hưởng chế độ thai sản. Nếu đi làm sớm trước khi hết thời hạn nghỉ, học vẫn hưởng chế độ thai sản đến hết thời gian quy định nhưng không được trợ cấp dưỡng sức sau sinh. Khi đi làm sớm sau sinh, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024
Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ thai sản, bao gồm cả nam và nữ. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024. Hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024 Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tiết 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định thành phần hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau: 1) Lao động nữ sinh con - Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/05/2.%20Mau%2001B-HSB.doc - Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. - Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. - Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ. - Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ. - Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau: + Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai. + Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai. + Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa. - Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ. 2) Lao động nam - Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/05/2.%20Mau%2001B-HSB.doc - Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: + Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; + Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. - Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: + Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. + Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. Trường hợp lao động nam đồng thời hưởng chế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ như lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con Như vậy, đối với lao động nữ và lao động nam sẽ có những thành phần hồ sơ khác nhau tùy theo trường hợp hưởng chế độ thai sản. Thủ tục hưởng chế độ thai sản năm 2014 Về thủ tục, theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cả lao động nam và nữ đều thực hiện thủ tục sau đây: Bước 1: Nộp hồ sơ Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bước 2: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bước 3: Cơ quan BHXH giải quyết - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. - Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Như vậy, năm 2024 thì lao động nữ và lao động nam sẽ chuẩn bị thành phần hồ sơ, thủ tục hưởng theo quy định trên để hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản năm 2024 là bao nhiêu? Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản như sau: - Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: + Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; + Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày; + Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. -Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, người lao động đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên sẽ được hưởng mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không?
Việc sinh con là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người mẹ. Tuy nhiên, có nhiều tình huống đặc biệt và đau lòng như trường hợp con quá yếu và mất ngay sau đó. Vậy trong trường hợp con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây. Chế độ thai sản là một chính sách bảo hiểm xã hội dành cho lao động nữ khi mang thai và sinh con, nhằm đảm bảo sức khỏe và kinh tế cho người mẹ. Thông thường, lao động nữ mang thai và sinh con nếu đủ điều kiện sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Tuy nhiên đối với một số trường hợp đặc biệt thì chế độ thai sản sẽ khác nhau. (1) Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không? Điều kiện hưởng chế độ thai sản Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: - Lao động nữ mang thai - Lao động nữ sinh con - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 31 phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Như vậy, người lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. Đối với trường hợp con chết sau khi sinh thì người lao động nữ được chế độ thai sản như sau: Cụ thể tại khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: - Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con - Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34. - Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Ngoài ra, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 10 ngày. - Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. - Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. - Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 34 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: + Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên + Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật + Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. Như vậy, người lao động nữ có con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con và nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết thay vì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng (theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) Mức hưởng chế độ thai sản Đối với trường hợp con chết sau khi sinh, người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản như sau: Theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: - Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. - Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động nữ còn nhận được trợ cấp một lần được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: - Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. - Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. - Lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu hoặc tất cả các con đều bị chết thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu theo Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng (2) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản Hồ sơ chuẩn bị thực hiện theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2.2 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 - Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. - Trường hợp con chết sau khi sinh: + Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con + Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. Tóm lại, người lao động nữ có con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con và nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết. Ngoài ra, người lao động nữ còn được hưởng trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù?
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ hưởng trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên thì có được nghỉ bù không? (1) Thời gian nghỉ hè của giáo viên được tính thế nào? Theo Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019, số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tính như sau: - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; - 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật; - 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hè đối với giáo viên mầm non là 08 tuần. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 02 tháng. Thời gian nghỉ hè của giáo viên cũng được tính là thời gian nghỉ hằng năm của người lao động. Như vậy, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bao gồm: - Thời gian nghỉ hằng năm theo Bộ Luật Lao động 2019 (12 ngày/năm) - Thời gian nghỉ hè Thời gian này được xem là thời gian nghỉ ngơi của người lao động, là quyền lợi của giáo viên; trong thời gian này, giáo viên được nghỉ nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). (2) Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù? Thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. - Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. - Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là một quyền lợi của BHXH dành cho người lao động. Giáo viên nữ trong thời gian trước và sau khi sinh con được nghỉ 06 tháng và hưởng một khoản tiền chế độ thai sản theo mức của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định. Do đó, nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bị trùng lặp, không có lợi cho người lao động. Trường hợp này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn giải quyết trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017. Theo đó, trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB nêu rõ: “Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động 2019 hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật lao động 2019. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.” Như vậy, nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản của giáo viên trùng với ngày nghỉ hè thì sẽ không được bù thời gian nghỉ hè mà chỉ được bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113, Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019 (thời gian nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và cứ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm 1 ngày). Nếu cơ sở giáo dục không bố trí được ngày nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên được thanh toán số tiền cho ngày nghỉ hằng năm chưa hưởng, mức hưởng được tính bằng mức lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề, phụ cấp khu vực,.. đang hiện hưởng của giáo viên.
Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?
Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ? Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ? 1. Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không? Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Lao động nữ mang thai. - Lao động nữ sinh con. - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Như vậy, lao động nữ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. 2. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ? Căn cứ Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được quy định như sau: - Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. - Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Như vậy, lao động nữ mang thai hộ sẽ được hưởng các chế độ từ khi mang thai đến khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định. 3. Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ? Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ được quy định: (i) Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: - Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. - Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. - Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Mục này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. (ii) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. (iii) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, lao động nữ được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản theo quy định.
Mẹ tròn con vuông là gì? Lao động nữ được nghỉ sinh con trong thời gian bao lâu?
1. Mẹ tròn con vuông là gì? "Mẹ tròn, con vuông" hay được dùng để chúc những người phụ nữ sinh đẻ thuận lợi. Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của câu chúc này không? Tại sao không phải "mẹ hình vuông, con tam giác" hay "mẹ hình bình hành, con hình chữ nhật" mà nhất thiết phải là "mẹ tròn, con vuông" Thực tế, điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa, cho rằng trời hình tròn, đất hình vuông. Con người do trời sinh ra, do đất nuôi dưỡng, nên cũng phải vuông tròn như trời đất thì mới trọn vẹn, an ổn. Điều này thấy rõ trong sự tích bánh chưng, bánh giày. Hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được tiên ông hướng dẫn làm bánh giày tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng chưng cho đất để chỉ sự hoà hợp với tạo hoá. Nhờ đem hai thứ bánh này lên dâng tổ tiên mà hoàng tử được vua khen và truyền ngôi cho. Hiện tại, y học phát triển và quan tâm đến vấn đề mang thai và sinh con, giúp người phụ nữ tránh được tai biến trong quá trình mang thai và các giai đoạn chuyển dạ. Để có thể "mẹ tròn con vuông", tận hưởng niềm hạnh phúc khi bế thiên thần bé bỏng trên tay thì trong quá trình mang thai và giai đoạn chuẩn bị sinh, người phụ nữ cần phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý. 2. Lao động nữ được nghỉ sinh con trong thời gian bao lâu? Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản là một trong những quyền lợi căn bản dành cho người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con của lao động nữ như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên có tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Hiện nay, các quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định thời gian nghỉ thai sản mà không có bất cứ quy định nào về thời hạn thông báo trước khi nghỉ. Như vậy, pháp luật không bắt buộc người lao động phải báo trước khi nghỉ thai sản. Tuy nhiên, với những khoảng thời gian nghỉ thai sản không ngắn, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bố trí, sắp xếp người thay thế, người lao động nên chủ động báo trước một thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không bị xáo trộn. 3. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm gì? Căn cứ tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm: - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; - Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; - Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Như vậy, "mẹ tròn, con vuông" là lời chúc phụ nữ sinh con thuận lợi, khỏe mạnh. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Ai chi trả lương cho lao động nam khi người lao động nam nghỉ thai sản?
Công ty tôi có trường hợp lao động nam có vợ sinh mổ phải nghỉ làm, trường hợp này cho tôi hỏi là trong thời gian lao động này nghỉ thì công ty tôi phải trả lương hay cơ quan BHXH chi trả lương vậy? Mong được giải đáp. Lao động nam được hưởng chế độ thai sản không? Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau: - Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. ... - Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Theo đó, lao động nam đang đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh mổ? Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con: ‘Thời gian hưởng chế độ khi sinh con - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: + 05 ngày làm việc; + 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; ... Theo đó, nếu vợ lao động nam sinh mổ thì thời gian nghỉ việc của lao động nam hưởng chế độ thai sản là 07 ngày làm việc. Ai chi trả lương cho người lao động hưởng chế độ thai sản? Trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì việc chi trả mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về cơ quan bảo hiểm xã hội: "Cơ quan bảo hiểm xã hội - Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này. Theo đó, cơ quan BHXH sẽ là người chi trả mức hưởng lương của người lao động nam nghỉ thai sản. Người sử dụng lao động sẽ không phải chi trả phần lương do lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Việc chi trả chế độ thai sản cho người lao động sẽ được cơ quan BHXH chi trả khi người lao động đáp ứng các điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Tôi là lao động tự do, không đi làm công ty nên không có đóng BHXH bắt buộc chỉ tham gia BHXH tự nguyện. Vậy nếu như sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản hay không? Nếu được thì mức hưởng như thế nào?
Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không?
Khi kỳ nghỉ thai sản trùng với các ngày lễ, Tết, liệu có được hưởng thêm lương hay không? Cùng tìm hiểu câu trả lời chính xác qua bài viết dưới đây nhé! (1) Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không? Theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Giỗ Tổ Hùng Vương,...v.v. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ thai sản. Vì vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, liệu người lao động có được nhận tiền chế độ thai sản từ BHXH cùng với tiền lương trong những ngày nghỉ lễ hay không? Nếu không, người lao động sẽ gặp bất lợi khi mất đi một ngày nghỉ hưởng nguyên lương. Liên quan đến vấn đề này, khoản 7 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Như vậy, ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, có thể hiểu là khi nghỉ chế độ thai sản thì các mức hưởng của chế độ thai sản sẽ không tính cho mức hưởng của các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết. Vì thế, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc trước ngày nghỉ lễ (ví dụ: thời gian kết thúc nghỉ thai sản là ngày 29/4, đến 30/4 nghỉ lễ) thì người lao động sẽ được nghỉ lễ hưởng nguyên lương, vì lúc này ngày nghỉ lễ được xem là ngày nghỉ có hưởng lương không phải ngày nghỉ thai sản. Ngược lại, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc sau ngày nghỉ lễ, tức thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ thì người lao động sẽ chỉ nhận được khoản tiền chế độ thai sản từ BHXH mà không được hưởng thêm lương trong những ngày lễ, vì ngày nghỉ lễ đã được tính vào thời gian nghỉ thai sản. Tổng kết lại, khi thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, người lao động sẽ không được hưởng lương ngày lễ. Điều này có thể tạo ra sự bất lợi cho người lao động, vì họ sẽ không nhận được khoản lương tương ứng cho ngày nghỉ lễ trong thời gian nghỉ thai sản. Do đó, người lao động cần lưu ý về thời gian nghỉ thai sản của mình để có thể lập kế hoạch tài chính hợp lý và tránh mất quyền lợi trong những dịp lễ, tết. (2) Người lao động có những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ lễ, nghỉ tết trong các ngày sau dây: - Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); - Tết Âm lịch: 05 ngày; - Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); - Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); - Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Theo đó, khi đến những ngày này, người lao động sẽ được nghỉ việc, hưởng nguyên tiền lương như một ngày làm việc bình thường. Ngoài ra, nếu lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ nêu trên, người này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ. (3) Người lao động được nghỉ chế độ thai sản bao lâu? Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người lao động được quy định như sau: Đối với lao động nữ: - Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. - Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đối với lao động nam: - Khi vợ sinh con, được nghỉ 05 ngày làm việc; - Trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày làm việc - Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; - Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho lao động nam chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Rút ngắn thời gian giải quyết hưởng chế độ thai sản, ốm đau từ 01/7/2025
Từ ngày 01/7/2025, thời gian quyết hưởng chế độ thai sản trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản được rút ngắn theo quy định hiện tại. Rút ngắn thời gian giải quyết hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025 Tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về việc Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: - Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kèm theo hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Người lao động nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong trường hợp thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc không còn người sử dụng lao động. - Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Như vậy, người sử dụng lao động phải lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kèm theo hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 07 ngày làm việc thay vì 10 ngày làm việc như quy định hiện tại. Đồng thời, quy định mới cũng nêu cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động (quy định hiện tại nêu giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ). Thời gian quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Tại Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đề cập đến việc Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản như sau: - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy định này cũng có sự khác biệt so với quy định hiện tại khi mà thời hạn đề cập là 10 ngày (bao gồm trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội) chứ không phải 07 ngày làm việc như quy định mới. Ngoài ra, thời gian giải quyết chế độ ốm đau cũng được rút ngắn theo quy định mới. Cụ thể theo Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: - Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ khi khám thai từ ngày 01/7/2025
Từ ngày 01/07/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, theo đó liên quan đến chế độ thai sản có nhiều sự thay đổi trong đó tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ khi khám thai. Số lần đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Quy định nêu trên có sự thay đổi so với quy định hiện tại khi số nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau đây: - 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; - 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; - 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi; - 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đối với trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Quy định mới về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau: + 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; + 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; + 05 ngày đối với trường hợp khác. Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu. Không áp dụng quy định về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định. Như vậy, trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nêu rõ trường hợp nếu đi làm sớm sau sinh (đủ điều kiện đi làm theo quy định) thì sẽ không được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản.
Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu?
Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu? Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu? Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau: “4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;” Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng có nêu rõ, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ 30 phút mỗi ngày tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Có thể thấy, 02 chế độ nghỉ nêu trên là 02 chế độ hoàn toàn khác nhau, theo đó, đối với trường hợp lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng mà cùng lúc bị hành kinh thì ngoài 60 phút nghỉ trong thời gian làm việc thì còn được cộng thêm 30 phút nghỉ ngơi chế độ hành kinh theo quy định như đã nêu trên. (2) Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không? Thông thường, lao động nữ sẽ có thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng. Theo đó, trường hợp muốn đi làm trước thời gian này, lao động nữ cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019 như sau: - Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng hưởng chế độ thai sản; - Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động; - Được người sử dụng lao động đồng ý. Như vậy, trường hợp lao động nữ đã nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản sẽ được đi làm sớm nếu có xác nhận của cơ quan y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý. (3) Lao động nữ được hưởng những khoản tiền nào khi nghỉ thai sản? Hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản, lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như sau: Trợ cấp một lần khi sinh con: Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Theo đó, tiền trợ cấp một lần/con = 02 x Mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là mức tại tháng lao động nữ sinh con) Tiền hưởng chế độ thai sản: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau: “1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;” Theo đó, tiền chế độ thai sản 1 tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Mức tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Căn cứ khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính như sau: Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh/01 ngày = 30% x Mức lương cơ sở. Như vậy, hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản thì lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như đã nêu trên.
Không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?
Chế độ thai sản và dưỡng sức sau sinh là những quyền lợi quan trọng đối với lao động nữ sau khi sinh con. Nếu không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, liệu lao động nữ có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không? (1) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản Trước tiên là về đối tượng được hưởng chế độ thai sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, những đối tượng được quy định tại điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Lao động nữ mang thai; (ii) Lao động nữ sinh con; (iii) Lao động nữ mang thai hộ; (iv) Lao động nữ nhờ mang thai hộ; (v) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; (vi) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (vii) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con Ngoài ra, các đối tượng (ii), (iii), (iv) và (v) phải đảm bảo thêm điều kiện đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. Như vậy, trường hợp lao động nữ mang thai, sinh con mà không đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, sau khi sinh con, phụ nữ đều cần thời gian để nghỉ ngơi, dưỡng sức, vậy trường hợp lao động nữ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh không? (2) Không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không? Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định: Không áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 Như vậy, dựa trên các quy định trên, nếu lao động nữ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Việc này là do các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chỉ áp dụng cho những lao động đã hưởng chế độ thai sản và chưa phục hồi sức khỏe. Do đó, lao động nữ cần đảm bảo đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản nếu muốn có quyền lợi về chế độ dưỡng sức sau sinh. (3) Người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh trong bao lâu? Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh được xác định như sau: Thời gian nghỉ tối đa: - 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên. - 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật. - 05 ngày đối với các trường hợp khác. Theo đó, việc quyết định số ngày được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh của người lao động do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Nếu có ý kiến khác nhau, người sử dụng lao động sẽ quyết định dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn. Trong trường hợp không có công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự quyết định. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh, người lao động được hưởng hưởng lương với mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.
Đóng BHXH sau khi mang thai có được hưởng chế độ thai sản không?
Việc tham gia BHXH giúp cho người lao động được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó chế độ thai sản. Tuy nhiên, liệu có thai rồi mới đóng BHXH có được hưởng chế độ thai sản hay không? >>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (1) Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không? Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách, đặc biệt đối với những người phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động. Để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, trẻ nhỏ và tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm làm việc, pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều quyền lợi, chế độ thiết thực dành cho đối tượng này. Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ thai sản đó, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và phải đáp ứng được các điều kiện về thời gian đóng BHXH trước thời điểm sinh con. Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con. Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau: - Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. - Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Ví dụ 1: Chị A sinh con ngày 18/01/2024 và tháng 01/2024 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2023 đến tháng 01/2024 Ví dụ 2: Chị B sinh con ngày 12/01/2024 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023 Như vậy, trong khoảng thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con mà chị A và chị B đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì chị A và chị B được hưởng chế độ thai sản. Tổng kết lại, nếu có thai rồi mới đóng BHXH, người lao động phải đảm bảo thời gian đóng BHXH là đủ 6 tháng trở lên, hoặc từ đủ 3 tháng trở lên khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai trong thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản. Từ 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên điều kiện về thời gian tham gia BHXH để được được hưởng chế độ thai sản vẫn được giữ nguyên như các quy định hiện hành nêu trên. (2) Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản như thế nào theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024? Căn cứ theo các quy định tại Mục 2 Chương V (từ Điều 50 đến Điều 63) Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ sinh con được hưởng các chính sách sau đây khi đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp trên phụ thuộc vào tuần tuổi của thai nhi, cụ thể: - 0 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi - 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi - 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi - 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên Bên cạnh đó, trường hợp mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con Lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo thời gian được quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019, tức là: - Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. - Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trợ cấp một lần khi sinh con Theo đó, lao động nữ sinh con đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản sẽ được trợ cấp một lần khi sinh con, mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, lao động nữ chưa phục hồi sức khoẻ thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do NSDLĐ và Ban Chấp hành cơ sở quyết định, tuy nhiên thời gian nghỉ tối đa được quy định như sau: - 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên - 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật - 05 ngày đối với trường hợp khác. Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?” và một số chính sách, trợ cấp mới cho lao động nữ khi nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025. >>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không?
Theo quy định thì lao động nam tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Vậy lao động nam có thời gian phép trùng với thời gian nghỉ thai sản có được chi trả chế độ thai sản trong thời gian nghỉ phép hay không? Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không? Theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung khoản 5 vào Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối với trường hợp: - Người lao động đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ; - Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam sẽ không được trả chế độ thai sản. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam như sau: - Người lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; + Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; + Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. - Riêng với lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trong đó, thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi được xác định như sau: + Trường hợp nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. + Trường hợp nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định phía trên.. - Người lao động đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc mà nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi (phải đóng từ đủ 6 tháng trở lên), triệt sản hay có vợ sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Lao động nam có được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai không? Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau: - Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. - Thời gian nghỉ việc khám thai hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Như vậy, chế độ khám thai chỉ áp dụng với lao động nữ. Theo đó, lao động nam sẽ không được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai.
Mang thai phải đi làm đóng BHXH ít nhất mấy tháng nữa mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh?
Phụ nữ đi làm đóng BHXH khi mang thai sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh nhưng phải đảm bảo đủ thời gian đóng BHXH theo quy định. Có không ít trường hợp muốn biết là nếu đang mang thai mà nghỉ việc sớm thì liệu rằng có thể được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không? Và cần phải đóng BHXH ít nhất mấy tháng trước khi sinh để được hưởng chế độ? Mang thai phải đi làm đóng BHXH ít nhất mấy tháng nữa mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh? Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: "1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: … b) Lao động nữ sinh con; … 2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này." Từ các quy định được nêu trong Điều 31 này thì có một số quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con cần lưu ý như sau: Thứ nhất, trong trường hợp thông thường người lao động nữ mang thai vẫn đi làm đóng bảo hiểm xã hội bình thường thì điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi sinh con ít nhất là 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi người lao động nữ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thứ hai, trong trường hợp theo chỉ định của bác sĩ người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất là 03 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Nhưng kèm theo điều kiện là đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ít nhất là 12 tháng trở lên. Thứ ba, người lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo như hai trương hợp trên nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Như vậy, nếu như người lao động nữ mang thai mà muốn nghỉ việc để dưỡng thai thì cần chú ý thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đã phân tích để đảm bảo rằng khi nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Trường hợp quyết định nghỉ nhưng không đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm cũng như điều kiện khác thì sẽ không được hưởng chế độ. Giả sử người lao động nữ đang mang thai được 01 tháng rưỡi, dự định sinh vào đầu tháng 3/2025, nếu thời điểm này người lao động xin nghỉ việc luôn thì số tháng đóng bảo hiểm xã hội của người này trong vòng 12 tháng trước khi sinh con tính từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025 là được nhiều nhất là đóng được tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7/2024, tổng cộng là 5 tháng nếu tháng 7 vẫn được đóng BHXH hoặc là hết tháng 7 người lao động nữ mới nghỉ. Như vậy, trường hợp này người lao động nữ mới chỉ đóng được 05 tháng bảo hiểm thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nếu như không thuộc trường hợp phải nghỉ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu như không thuộc trường hợp chỉ định phải nghỉ thì người lao động này cần làm thêm ít nhất là đến hết tháng 8/2024 thì mới đủ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội để khi nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh. Còn trường hợp nghỉ theo chỉ định của bác sĩ thì đã đủ điều kiện đóng bảo hiểm trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, nhưng cần lưu ý rằng người lao động nữ này phải có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên thì mới được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Quy định hiện nay, lao động nữ được nghỉ ít nhất mấy tháng trước khi sinh con mà vẫn được hưởng chế độ thai sản? Theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Theo đó, người lao động nữ được nghỉ trước khi sinh tối đa là 02 tháng, tức mang thai tháng thứ 7 thì người lao động được nghỉ thai sản.
Từ ngày 01/7/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản
Ngày 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật BHXH sửa đổi. Theo đó, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản Theo Điều 4 Luật BHXH năm 2014 thì bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, Luật BHXH sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào ngày 01/7/2025 đã bổ sung thêm chế độ trợ cấp thai sản đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây được xem là điểm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bởi vì hiện nay số lượng người tham gia loại bảo hiểm này rất ít. (1) Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện Đối với điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, theo Điều 98 Luật BHXH quy định như sau: Đối tượng quy định tại Điều 97 của Luật BHXH sửa đổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Lao động nữ sinh con. + Lao động nam có vợ sinh con. - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con. - Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 98 thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 99. - Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 98 vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. - Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. - Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. (2) Trợ cấp thai sản - Trợ cấp thai sản khi sinh con bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu là 2.000.000 đồng cho một con. - Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 99 thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ. - Trợ cấp thai sản quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp tại khoản 1 Điều 99 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. (3) Hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thai sản Căn cứ theo Điều 100 và Điều 101 Luật BHXH quy định về việc hồ sơ và thời gian giải quyết trợ cấp thai sản như sau: - Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau: + Bản sao chứng thực giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao chứng thực giấy chứng sinh của con. + Bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy ra viện trong trường hợp con chết lưu hoặc chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh. + Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật hộ tịch trong trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh. + Giấy tờ khác chứng minh việc sinh con theo quy định của Chính phủ. - Giải quyết hưởng trợ cấp thai sản: - Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 100 của Luật BHXH cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tóm lại,so với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản khi đóng BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, mức trợ cấp thai sản cho loại bảo hiểm này. Luật BHXH (sửa đổi) bao gồm 11 chương với 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con có cần giấy xác nhận của bệnh viện không?
Mang thai là giai đoạn đặc biệt, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe chu đáo cả trước và sau khi sinh. Vậy, nghỉ việc để dưỡng thai có cần giấy xác nhận của bệnh viện không? (1) Lao động nữ có được nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con không? Chính sách bảo vệ phụ nữ mang thai, sinh con là một vấn đề quan trọng được quan tâm trong xã hội hiện đại. Một trong những chế độ hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ mang thai là chế độ nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con. Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con của lao động nữ sinh con là được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Như vậy, theo quy định của pháp bảo, lao động nữ khi mang thai thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con trong 06 tháng, nếu sinh đôi thì được tính thêm 01 tháng. (2) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản của BHXH bao gồm: - Lao động nữ mang thai; - Lao động nữ sinh con; - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Theo đó, để được hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con và lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Đối với lao động nữ sinh con mà đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì còn phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. (3) Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con có cần giấy xác nhận của bệnh viện không? Theo khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thành phần hồ sơ để xin nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bao gồm: - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; - Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; - Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Từ quy định trên có thể khẳng định, lao động nữ nghỉ việc theo chế độ thai sản để dưỡng thai trước sinh con thì phải có giấy xác nhận của bệnh viện, cở sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Bên cạnh đó, lao động nữ cũng phải đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Nghỉ việc để dưỡng thai trước khi sinh con là quyền lợi chính đáng của lao động nữ mang thai. Để được hưởng chế độ thai sản đầy đủ và đúng quy định, lao động nữ cần nắm rõ các quy định về chế độ nghỉ việc và thực hiện đúng các thủ tục cần thiết.
Người chửa cửa mả là gì? Người mẹ chết sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản thế nào?
Trong nhân gian có câu “người chửa cửa mã” để nói về sự nguy hiểm của người phụ nữ khi sinh con. Vậy trong trường hợp không may người mẹ mất sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản như thế nào? Người chửa cửa mả là một thuật ngữ dân gian Việt Nam, xuất phát từ những quan niệm xưa về quá trình sinh nở và những nguy cơ mà người mẹ phải đối mặt. Đây là một tình trạng đặc biệt và nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến các tình huống pháp lý phức tạp như mẹ chết sau khi sinh con. Trong pháp luật Việt Nam, chế độ thai sản là một phần của bảo hiểm xã hội, được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. (1) Người chửa cửa mả nghĩa là gì? "Người chửa cửa mả" là một cụm từ mang tính hình tượng, gắn liền với quan niệm dân gian về sự mong manh của cuộc sống và cái chết trong quá trình mang thai và sinh nở. "Cửa mã" nghĩa là cửa mộ, ngụ ý rằng người phụ nữ đang đứng trước bờ vực sinh tử. Trong lịch sử, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh rất cao do thiếu kiến thức y khoa và điều kiện chăm sóc y tế hạn chế. Thuật ngữ này được sử dụng để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của quá trình sinh nở khi mà y học chưa phát triển như ngày nay. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ, những người phải đối mặt với rủi ro lớn khi mang trong mình một sinh mạng mới. (2) Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì giải quyết chế độ thai sản như thế nào? Căn cứ theo khoản 4,5 và khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ. - Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ. - Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ. - Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha. - Đối với trường hợp quy định tại các điểm b, d và e khoản 2 mà người cha đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 34 quy định như sau: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Tóm lại, trong trường hợp không may người mẹ chết sau khi sinh con thì tùy theo tình trạng cha, mẹ đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội như thế nào mà sẽ được hưởng chế độ thai sản khác nhau. Xem thêm bài viết: Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không?
Lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản có được ký hợp đồng lao động với công ty khác không?
Đang trong thời gian nghỉ thai sản mà lao động nữ muốn ký hợp đồng lao động với một công ty khác thì có được không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau: Hợp đồng lao động là gì? Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về hợp đồng lao động như sau: - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Theo đó hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là bao lâu? Tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Theo đó đối với lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đồng thời thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Lao động nữ nghỉ thai sản, có được ký hợp đồng lao động với công ty khác không? Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau: - Người lao động có các quyền sau đây: + Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. ... Đồng thời căn cứ theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau: - Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. - Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó pháp luật cho phép người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản có thể giao kết hợp đồng với công ty khác tuy nhiên khi tham gia ký kết hợp đồng phải đảm bảo điều kiện thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết và việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Lao động nữ có bị dừng hưởng chế độ thai sản nếu đi làm sớm sau khi sinh con không?
Lao động nữ đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản có bị dừng hưởng chế độ thai sản hay không? Nếu đi làm sớm có được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh không? 1. Đi làm sớm sau khi sinh con có bị cắt tiền chế độ thai sản? Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Đồng thời, căn cứ Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ theo quy định. Lưu ý: Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con phải đáp ứng các điều kiện sau: - Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng. - Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Như vậy, lao động nữ sinh con, được nghỉ việc 06 tháng trước và sau khi sinh hưởng chế độ thai sản. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ theo quy định . Lao động nữ có bị dừng hưởng chế độ thai sản nếu đi làm sớm sau khi sinh con không? (Ảnh minh họa – Nguồn Internet) 2. Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con có được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh không? Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày tùy trường hợp. Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được nhận 30% mức lương cơ sở (hiện nay tương đương 540.000 đồng/ngày). Cụ thể như sau: - Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên. - Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật. - Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng cho lao động nữ đã hưởng xong kỳ nghỉ thai sản. Trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc, nếu sức khỏe còn yếu, họ mới được nghỉ dưỡng sức và phục hồi. Ngược lại, lao động nữ đi làm lại trước khi hết thời gian nghỉ thai sản đã được xác nhận đủ điều kiện sức khỏe. Do đó, lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con sẽ không được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh. 3. Lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con có phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đó không? Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, trường hợp lao động nữ đi làm sớm sau khi sinh con năm 2024, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Như vậy, lao động nữ sinh con được nghỉ 06 tháng hưởng chế độ thai sản. Nếu đi làm sớm trước khi hết thời hạn nghỉ, học vẫn hưởng chế độ thai sản đến hết thời gian quy định nhưng không được trợ cấp dưỡng sức sau sinh. Khi đi làm sớm sau sinh, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024
Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ thai sản, bao gồm cả nam và nữ. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024. Hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2024 Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tiết 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định thành phần hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau: 1) Lao động nữ sinh con - Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/05/2.%20Mau%2001B-HSB.doc - Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. - Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. - Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ. - Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ. - Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau: + Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai. + Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai. + Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa. - Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ. 2) Lao động nam - Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/05/2.%20Mau%2001B-HSB.doc - Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: + Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; + Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. - Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: + Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. + Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. Trường hợp lao động nam đồng thời hưởng chế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ như lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con Như vậy, đối với lao động nữ và lao động nam sẽ có những thành phần hồ sơ khác nhau tùy theo trường hợp hưởng chế độ thai sản. Thủ tục hưởng chế độ thai sản năm 2014 Về thủ tục, theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cả lao động nam và nữ đều thực hiện thủ tục sau đây: Bước 1: Nộp hồ sơ Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bước 2: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bước 3: Cơ quan BHXH giải quyết - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. - Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Như vậy, năm 2024 thì lao động nữ và lao động nam sẽ chuẩn bị thành phần hồ sơ, thủ tục hưởng theo quy định trên để hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản năm 2024 là bao nhiêu? Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản như sau: - Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: + Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; + Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày; + Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. -Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, người lao động đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên sẽ được hưởng mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không?
Việc sinh con là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người mẹ. Tuy nhiên, có nhiều tình huống đặc biệt và đau lòng như trường hợp con quá yếu và mất ngay sau đó. Vậy trong trường hợp con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây. Chế độ thai sản là một chính sách bảo hiểm xã hội dành cho lao động nữ khi mang thai và sinh con, nhằm đảm bảo sức khỏe và kinh tế cho người mẹ. Thông thường, lao động nữ mang thai và sinh con nếu đủ điều kiện sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Tuy nhiên đối với một số trường hợp đặc biệt thì chế độ thai sản sẽ khác nhau. (1) Con chết sau khi sinh thì người mẹ có được hưởng chế độ thai sản không? Điều kiện hưởng chế độ thai sản Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: - Lao động nữ mang thai - Lao động nữ sinh con - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 31 phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Như vậy, người lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. Đối với trường hợp con chết sau khi sinh thì người lao động nữ được chế độ thai sản như sau: Cụ thể tại khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: - Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con - Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34. - Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Ngoài ra, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 10 ngày. - Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. - Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. - Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 34 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: + Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên + Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật + Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. Như vậy, người lao động nữ có con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con và nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết thay vì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng (theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) Mức hưởng chế độ thai sản Đối với trường hợp con chết sau khi sinh, người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản như sau: Theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: - Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. - Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động nữ còn nhận được trợ cấp một lần được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: - Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. - Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. - Lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu hoặc tất cả các con đều bị chết thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu theo Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng (2) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản Hồ sơ chuẩn bị thực hiện theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2.2 Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 - Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. - Trường hợp con chết sau khi sinh: + Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con + Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết. Tóm lại, người lao động nữ có con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con và nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết. Ngoài ra, người lao động nữ còn được hưởng trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù?
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ hưởng trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên thì có được nghỉ bù không? (1) Thời gian nghỉ hè của giáo viên được tính thế nào? Theo Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019, số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tính như sau: - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; - 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật; - 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hè đối với giáo viên mầm non là 08 tuần. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 02 tháng. Thời gian nghỉ hè của giáo viên cũng được tính là thời gian nghỉ hằng năm của người lao động. Như vậy, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bao gồm: - Thời gian nghỉ hằng năm theo Bộ Luật Lao động 2019 (12 ngày/năm) - Thời gian nghỉ hè Thời gian này được xem là thời gian nghỉ ngơi của người lao động, là quyền lợi của giáo viên; trong thời gian này, giáo viên được nghỉ nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). (2) Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù? Thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. - Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. - Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là một quyền lợi của BHXH dành cho người lao động. Giáo viên nữ trong thời gian trước và sau khi sinh con được nghỉ 06 tháng và hưởng một khoản tiền chế độ thai sản theo mức của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định. Do đó, nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bị trùng lặp, không có lợi cho người lao động. Trường hợp này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn giải quyết trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017. Theo đó, trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB nêu rõ: “Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động 2019 hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật lao động 2019. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.” Như vậy, nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản của giáo viên trùng với ngày nghỉ hè thì sẽ không được bù thời gian nghỉ hè mà chỉ được bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113, Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019 (thời gian nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và cứ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm 1 ngày). Nếu cơ sở giáo dục không bố trí được ngày nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên được thanh toán số tiền cho ngày nghỉ hằng năm chưa hưởng, mức hưởng được tính bằng mức lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề, phụ cấp khu vực,.. đang hiện hưởng của giáo viên.
Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?
Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ? Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ? 1. Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không? Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Lao động nữ mang thai. - Lao động nữ sinh con. - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Như vậy, lao động nữ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản. 2. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ? Căn cứ Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được quy định như sau: - Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. - Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Như vậy, lao động nữ mang thai hộ sẽ được hưởng các chế độ từ khi mang thai đến khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định. 3. Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ? Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ được quy định: (i) Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: - Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. - Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. - Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Mục này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. (ii) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. (iii) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, lao động nữ được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản theo quy định.
Mẹ tròn con vuông là gì? Lao động nữ được nghỉ sinh con trong thời gian bao lâu?
1. Mẹ tròn con vuông là gì? "Mẹ tròn, con vuông" hay được dùng để chúc những người phụ nữ sinh đẻ thuận lợi. Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của câu chúc này không? Tại sao không phải "mẹ hình vuông, con tam giác" hay "mẹ hình bình hành, con hình chữ nhật" mà nhất thiết phải là "mẹ tròn, con vuông" Thực tế, điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa, cho rằng trời hình tròn, đất hình vuông. Con người do trời sinh ra, do đất nuôi dưỡng, nên cũng phải vuông tròn như trời đất thì mới trọn vẹn, an ổn. Điều này thấy rõ trong sự tích bánh chưng, bánh giày. Hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được tiên ông hướng dẫn làm bánh giày tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng chưng cho đất để chỉ sự hoà hợp với tạo hoá. Nhờ đem hai thứ bánh này lên dâng tổ tiên mà hoàng tử được vua khen và truyền ngôi cho. Hiện tại, y học phát triển và quan tâm đến vấn đề mang thai và sinh con, giúp người phụ nữ tránh được tai biến trong quá trình mang thai và các giai đoạn chuyển dạ. Để có thể "mẹ tròn con vuông", tận hưởng niềm hạnh phúc khi bế thiên thần bé bỏng trên tay thì trong quá trình mang thai và giai đoạn chuẩn bị sinh, người phụ nữ cần phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý. 2. Lao động nữ được nghỉ sinh con trong thời gian bao lâu? Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản là một trong những quyền lợi căn bản dành cho người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con của lao động nữ như sau: - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên có tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Hiện nay, các quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định thời gian nghỉ thai sản mà không có bất cứ quy định nào về thời hạn thông báo trước khi nghỉ. Như vậy, pháp luật không bắt buộc người lao động phải báo trước khi nghỉ thai sản. Tuy nhiên, với những khoảng thời gian nghỉ thai sản không ngắn, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bố trí, sắp xếp người thay thế, người lao động nên chủ động báo trước một thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không bị xáo trộn. 3. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm gì? Căn cứ tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm: - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; - Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; - Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; - Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Như vậy, "mẹ tròn, con vuông" là lời chúc phụ nữ sinh con thuận lợi, khỏe mạnh. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Ai chi trả lương cho lao động nam khi người lao động nam nghỉ thai sản?
Công ty tôi có trường hợp lao động nam có vợ sinh mổ phải nghỉ làm, trường hợp này cho tôi hỏi là trong thời gian lao động này nghỉ thì công ty tôi phải trả lương hay cơ quan BHXH chi trả lương vậy? Mong được giải đáp. Lao động nam được hưởng chế độ thai sản không? Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau: - Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. ... - Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Theo đó, lao động nam đang đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh mổ? Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con: ‘Thời gian hưởng chế độ khi sinh con - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: + 05 ngày làm việc; + 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; ... Theo đó, nếu vợ lao động nam sinh mổ thì thời gian nghỉ việc của lao động nam hưởng chế độ thai sản là 07 ngày làm việc. Ai chi trả lương cho người lao động hưởng chế độ thai sản? Trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì việc chi trả mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về cơ quan bảo hiểm xã hội: "Cơ quan bảo hiểm xã hội - Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này. Theo đó, cơ quan BHXH sẽ là người chi trả mức hưởng lương của người lao động nam nghỉ thai sản. Người sử dụng lao động sẽ không phải chi trả phần lương do lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Việc chi trả chế độ thai sản cho người lao động sẽ được cơ quan BHXH chi trả khi người lao động đáp ứng các điều kiện hưởng chế độ thai sản.