Sinh viên Luật: Thưa Bộ trưởng! Trong trường hợp Thông tư trái với Nghị định thì áp dụng Thông tư hay Nghị định?
Bộ trưởng: Sẽ áp dụng Nghị định
Sinh viên Luật: Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định, tại sao mình không áp dụng Thông tư mà áp dụng Nghị định thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng: Theo Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì trong trường hợp Thông tư trái với Nghị định sẽ áp dụng Nghị định, vì Nghị định có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư.
Sinh viên Luật: Một văn bản được ban hành phải đảm bảo tính hợp pháp, nghĩa là nếu trái với pháp luật thì sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ … (Căn cứ Nghị định 40 năm 2010). Bởi vậy, cùng một vấn đề mà Thông tư quy định trái với Nghị định thì “nội dung trái” phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trên đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ ... theo luật định. Nếu không “chạm” tới nó thì đồng nghĩa thừa nhận tính hợp pháp của Thông tư nên Thông tư sẽ được áp dụng trong trường hợp này.
Bộ trưởng: Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình, vì thời gian có hạn nên đồng chí vui lòng chuyển câu hỏi khác.
Sinh viên Luật: Trong trường hợp Nghị định hết hiệu lực, vậy Thông tư hướng dẫn Nghị định đó có còn hiệu lực hay không?
Bộ trưởng: Nếu thuộc trường hợp quy định tại điều 81 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì nó sẽ hết hiệu lực, còn không thì nó vẫn còn hiệu lực.
Sinh viên Luật: Thông tư hướng dẫn cho Nghị định mà Nghị định hết hiệu lực thì còn gì nữa mà hướng dẫn, mà hết cái để hướng dẫn thì Thông tư đó sẽ hết hiệu lực thưa Bộ trưởng!
Bộ trưởng: Ví dụ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 đã hết hiệu lực từ 1/1/2006 nhưng đến nay Nghị quyết 04/2003 hướng dẫn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 vẫn còn hiệu lực đó đồng chí.
Sinh viên Luật: Đáng lẽ Bộ trưởng phải giải thích lý luận bằng phương pháp lý luận chứ không phải lấy ví dụ thực tiễn trái lý luận để giải thích cho lý luận. Điều này chứng tỏ việc lập pháp của nước ta còn yếu kém, lý luận xa rời thực tiễn.
Lưu ý: Câu chuyện được hư cấu để nói lên sự bất cập của pháp luật nước nhà!