Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về hướng dẫn tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp độ tuổi.
Đây là điều đáng lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu nhưng thực tế công tác giáo dục giới tính ở nước ta thực tế là chưa tốt. Nếu dự thảo này được thông qua, có thể coi là bước đột phá trong công tác giáo dục, phổ cập kiến thức giới tính ở nước ta.
Theo bản dự thảo được Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến góp ý, sẽ áp dụng quy định này với các cơ sở cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản như: các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, các cơ sở y tế khác, các trung tâm thanh thiếu niên, trường học…
Nội dung tư vấn, hỗ trợ đối với trẻ và người giám hộ (nếu cần thiết) bao gồm:
- Tư vấn về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi;
- Tư vấn về dinh dưỡng, tiêm chủng;
- Tư vấn về kinh nguyệt (đối với trẻ gái) và xuất tinh (đối với trẻ nam):
+ Tư vấn về kinh nguyệt bình thường và kinh nguyệt bất thường, vệ sinh kinh nguyệt;
+ Tư vấn về sự rụng trứng và mang thai;
+ Tư vấn về hẹp bao quy đầu, xuất tinh lần đầu, vệ sinh dương vật;
+ Tư vấn về hiện tượng thủ dâm;
- Tư vấn về phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa: nhiễm nấm phụ khoa, viêm âm hộ, âm đạo, viêm bao quy đầu,...;
- Tư vấn về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn: các biện pháp tránh thai thích hợp;
- Tư vấn về phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
+ Tư vấn về bệnh viêm gan B, C;
+ Tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: bệnh lậu, giang mai, HIV/AIDS,…;
+ Tư vấn về tình dục an toàn;
- Tư vấn về phòng chống xâm hại tình dục;
- Tư vấn về các kỹ năng sống như kỹ năng thương thuyết, kỹ năng từ chối, kỹ năng xác định giá trị bản thân.
Ngoài ra, thông tư này còn quy định về việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với trẻ em của các trung tâm, tổ chức được giao nhiệm vụ. Điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng được quy định cụ thể tại thông tư này.