Vừa qua, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Cảnh vệ để thay thế Pháp lệnh Cảnh vệ 2005. Theo đó, Luật làm rõ một số vấn đề như sau:
1/ Thêm hai khái niệm về đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ:
- Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; nơi ở, địa điểm hoạt động của các đối tượng cảnh vệ; khu vực trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định tại Luật này.
- Biện pháp cảnh vệ là tổng hợp các phương pháp, cách thức mà lực lượng Cảnh vệ áp dụng để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những hành vi của con người và các yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
2/ Mở rộng những hành vi bị cấm:
So với 3 nội dung bị cấm theo Pháp lệnh, Luật mở rộng thêm 4 trường hợp sau:
- Tụ tập đông người trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
- Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ.
- Làm giả, mua bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ.
- Các hành vi khác ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và sự an toàn của đối tượng cảnh vệ và sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ khi thực hiện nhiệm vụ.
3/ Chế độ cảnh vệ:
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ như: Bảo vệ tiếp cận; bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết; khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; khi đi công tác trong nước, ngoài nước bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; khi đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ; khi đi công tác tại các địa phương trong nước hoặc đi công tác nước ngoài được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ…
- Người đứng đầu. cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước thì được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ như đối với các đối tượng cảnh vệ trên, đồng thời, được bố trí xe mô tô hộ tống theo quy định về nghi lễ đối ngoại của Nhà nước đối với người đứng đầu và đi bằng ô tô có xe Cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính thức đối với cấp phó của người đứng đầu.
- Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ không thuộc đối tượng như quy định trên thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp, chế độ cảnh vệ như của lãnh đạo trong nước.
- Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ được áp dụng các biện pháp cảnh vệ như: Bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác; kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; kiểm tra an ninh, an toàn trong trường hợp cần thiết và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Dự thảo còn đề cập đến các lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách cho những lực lượng này.
Xem toàn văn dự thào tại file đính kèm: