DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Lê Văn Mạnh phạm tội "Giết người", "Hiếp dâm" và "cướp tài sản"

Avatar

 

Số hiệu

14/2007/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Lê Văn Mạnh phạm tội "Giết người", "Hiếp dâm" và "cướp tài sản"

Ngày ban hành

04/06/2007

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

……..

Ngày 04 tháng 6 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

Lê Văn Mạnh  sinh năm 1982; trú tại thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; trình độ văn hóa 9/12; nghề nghiệp: lao động tự do; con ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt; có vợ là Nguyễn Thị Bình và có 2 con; bị bắt giam ngày 20-4-2005.

Người bị hại: cháu Hoàng Thị Loan sinh ngày 15-8-1991 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Trịnh Thị Nương (mẹ của cháu Loan) trú tại thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

NHẬN THẤY:

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết luận Lê Văn Mạnh có hành vi phạm tội như sau: khoảng 17 giờ ngày 21-3-2005, Lê Văn Mạnh đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày thuộc địa phận thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định thì phát hiện cháu Hoàng Thị Loan đang đi vệ sinh. Mạnh nảy sinh ý định hiếp dâm cháu Loan nên Mạnh lén lút đến gần cháu Loan rồi bất ngờ dùng tay bịt miệng cháu Loan. Khi cháu Loan đứng dậy thì Mạnh dùng tay phải đấm vào mắt phải và dùng chân đá quét làm cháu Loan ngã. Mạnh nằm đè lên người cháu Loan, tay trái bịt miệng, tay phải kéo quần dài và quần lót của cháu Loan xuống để giao cấu. Thấy cháu Loan chống cự dãy dụa, Mạnh dùng tay phải túm tóc đập đầu cháu xuống đất nhiều lần làm cháu Loan bị ngất và nằm bất động. Tưởng cháu Loan đã chết, Mạnh bế cháu Loan lội qua sông Cầu Chày rồi đưa xác cháu vào bụi cây rậm rạp ở bờ sông thuộc địa phận xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân để giấu xác cháu Loan. Tại đây Mạnh tiếp tục lột quần cháu Loan. Thấy máu từ trong âm hộ chảy ra sợ mọi người phát hiện cháu Loan bị hiếp, Mạnh lấy đất sét ở bờ sông nhét vào âm hộ cháu Loan để cho máu không chảy. Mạnh tiếp tục cởi hết cúc áo ngoài của cháu Loan rồi xé áo lót của cháu Loan lồng qua cổ cháu và buộc thắt 3 nốt với mục đích làm mọi người tưởng cháu tự sát. Sau đó Mạnh rửa tay rồi về nhà tắm và thay quần áo. Chiều tối cùng ngày gia đình cháu Loan không thấy cháu về, đã tổ chức đi tìm đến 13 giờ ngày 22-3-2005 phát hiện xác cháu Loan tại địa phận xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Theo biên bản khám nghiệm tử thi lúc 16h ngày 22-3-2005, thì trên người nạn nhân có nhiều dấu vết; nạn nhân mặc áo cộc tay, các khuy bị cởi, bên trong mặc áo lót màu xanh có sọc bị xé làm 2 mảnh tạo thành dây buộc cổ có 3 nốt thắt ở phía trước cổ; vùng đầu có vết tụ máu 2cm x 3cm vùng mi trên và mi dưới mắt phải; vùng cổ có rãnh thắt mờ khép kín không đều nhau; hố nách phải có vết xước da 5cm x 3cm; trong âm đạo chứa đầy đất; tầng sinh môn bị rách vị trí 7h, có vết tụ máu tại vị trí 3h, âm đạo tụ máu, rỉ máu; màng trinh bị rách. Giải phẫu bên trong thấy tổ chức da đầu, vùng trán, vùng đỉnh chẩm tụ máu dưới da, xương hộp sọ bình thường không bị rạn vỡ; rạch cổ tổ chức dưới da vùng cổ có tụ máu nhẹ, tổ chức xung quanh động mạch cảnh và tuyến giáp có tụ máu; hệ thống xương sườn không bị gãy, các bộ phận khác không bị tổn thương, khoang phổi khô, dạ dày chứa thức ăn đã nhuyễn và có nước. Tại bản giám định pháp y số 67/GĐPY ngày 30-3-2005, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận cháu Hoàng Thị Loan chết ngạt do thắt cổ, trên nạn nhân có ngạt nước và bị hiếp dâm.

Tại cơ quan điều tra Lê Văn Mạnh khai ngoài hành vi giết người và hiếp dâm trẻ em, trước đó Mạnh còn có hành vi cướp tài sản cùng Bùi Ngọc Du ngày 07-3-2003 tại địa phận xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau khi phạm tội Mạnh bỏ trốn, đến ngày 20-4-2005, Mạnh bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt theo Lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai về hành vi cướp tài sản. Bùi Ngọc Du đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt 11 năm tù về tội “Cướp tài sản” tại bản án hình sự sơ thẩm số 393/HSST ngày 09-9-2003.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 188/2005/HSST ngày 29-7-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa áp dụng điểm a và điểm d khoản 2 Điều 133, khoản 1 Điều 112, điểm c và điểm g khoản 1 Điều 93, điểm e khoản 1 Điều 48, Điều 41, Điều 42 và Điều 50 Bộ luật hình sự; xử  phạt Lê Văn Mạnh 08 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 10 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tử hình về tội “Giết người”; tổng hợp hình phạt chung cho cả 3 tội là tử hình.

Buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại 22.100.000 đồng (trong đó chi phí tìm kiếm nạn nhân và chi phí mai táng 7.100.000 đồng; tổn thất tinh thần 15.000.000 đồng).

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10-8-2005 Lê Văn Mạnh kháng cáo kêu oan về  tội “Giết người” và tội  “Hiếp dâm trẻ em”.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1092/2005/HSPT ngày 27-10-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định huỷ một phần bản án sơ thẩm về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.    

Sau khi tiến hành điều tra lại, tại bản Kết luận điều tra số01/KLĐT-PC16 ngày 11-01-2006, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa truy tố Lê Văn Mạnh về hai tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.

Tại bản Cáo trạng số30/CT-VKSTH-P1A ngày 09-02-2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa truy tố Lê Văn Mạnh về hai tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 61/2006/HSST ngày 13-3-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa áp dụng khoản 1 Điều 112, điểm c và điểm g khoản 1 Điều 93, điểm e khoản 1 Điều 48, Điều 41, Điều 42, Điều 50 và Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Lê Văn Mạnh 10 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tử hình về tội “Giết người”; tổng hợp với hình phạt 08 năm tù về tội “Cướp tài sản” của bản án hình sự sơ thẩm số 188/2005/HSST ngày 29-7-2005, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai bản án là tử hình.

Buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân 22.100.000 đồng.

Ngày 21-3-2006, Lê Văn Mạnh kháng cáo kêu oan về tội “Giết người” và tội  “Hiếp dâm trẻ em”.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 756/2006/HSPT ngày 26-7-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Quyết định số12/QĐ-VKSTC-V3 ngày 23-4-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 756/2006/HSPT ngày 26-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần kết án Lê Văn Mạnh về tội “Giết người” và tội “Hiếp dâm trẻ em”; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy hai bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nói trên để giải quyết vụ án lại từ giai đoạn điều tra.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Lê Văn Mạnh phạm tội cướp tài sản ở tỉnh Đồng Nai và bỏ trốn đến ngày 20-4-2005, Mạnh  bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giam theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai về hành vi này. Tại cơ quan điều tra Mạnh đã khai nhận hành vi giết người và hiếp dâm trẻ em, nhưng khi xét xử sơ thẩm bị cáo kêu oan cho rằng nhận tội là do bị các phạm nhân cùng phòng giam đánh, ép phải nhận tội. Mặc dù lời khai nhận tội của Lê Văn Mạnh có những điểm mô tả chi tiết phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; tuy nhiên, trong lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn và thiếu thống nhất nhưng chưa được điều tra hoặc không cho đối chất làm rõ và quá trình tố tụng còn một số thiếu sót; cụ thể như sau:

- Lê Văn Mạnh khai khi thấy cháu Hoàng Thị Loan ở bờ sông (thuộc địa phận xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), Mạnh nảy sinh ý định hiếp cháu Loan. Khi bị cháu Loan chống cự thì Mạnh đấm, đập đầu cháu Loan cho đến khi cháu Loan bất động và bế cháu Loan qua sông Cầu Chày (thuộc địa phận xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) để dấu xác (BL 127). Quá trình điều tra, cơ quan điều tra không xác định hiện trường chính nơi xảy ra hành vi tấn công đầu tiên của Mạnh đối với cháu Loan để thực hiện hành vi hiếp dâm là ở chỗ nào và nếu cháu Loan kêu cứu thì có ai phát hiện được không?

Khi thấy cháu Loan bất động, Mạnh bế cháu trên tay lội qua sông Cầu Chày, đầu và người nạn nhân ở trên mặt nước, nước sông lúc đó chỉ sâu khoảng 1m (BL 119). Theo kết quả giám định pháp y tỉnh Thanh Hóa thì cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, trên nạn nhân có ngạt nước và bị hiếp dâm”. Cơ quan điều tra không cho thực nghiệm điều tra để làm rõ Mạnh bế cháu Loan qua sông như thế nào và cũng chưa có văn bản yêu cầu Tổ chức giám định pháp y giải thích rõ cháu Loan chết do nguyên nhân trực tiếp nào? Lê Văn Mạnh nhận tội “Giết người” nhưng không có lời khai nào nhận có hành vi hiếp dâm cháu Loan, Cơ quan điều tra cũng chưa yêu cầu Cơ quan giám định giải thích rõ nếu trường hợp bị đánh, bị ngạt thở thì tử cung người phụ nữ có thể ra máu không?

- Ở giai đoạn điều tra, Lê Văn Mạnh có khai nhận tội, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm Mạnh lại phản cung, chối tội cho là bị các phạm nhân cùng phòng giam là Nguyễn Kế Hiền, Hoàng Văn Dương, Mai Xuân Tình, Nguyễn Trọng Tuấn và Nguyễn Thành Nam đánh đập bắt phải nhận tội (BL 258). Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại, mặc dù Cơ quan điều tra có lấy lời khai các phạm nhân cùng buồng giam về việc có đánh Mạnh hay không nhưng không cho Mạnh đối chất với các phạm nhân nói trên để làm rõ là chưa khách quan.

- Về lá thư Lê Văn Mạnh viết gửi về cho gia đình (ghi ngày 23-4-2005), thì ngày 28-4-2005 phạm nhân Lê Văn Dũng chuyển cho cán bộ Trại giam bức thư của Mạnh, nhưng Cơ quan điều tra không hỏi gì về lá thư này. Khi xét xử sơ thẩm Mạnh khai do phạm nhân Hiền ép phải viết thư và nhờ Hiền chuyển ra ngoài. Cơ quan điều tra không hỏi phạm nhân Hiền có ép buộc Mạnh viết bức thư không? Vì sao Mạnh nhờ Phạm nhân Hiền chuyển thư ra ngoài nhưng người giao lá thư cho cán bộ Trại giam lại là phạm nhân Dũng.

- Về thời gian tiêu thụ bất minh của Lê Văn Mạnh còn nhiều mâu thuẫn giữa các lời khai của bị cáo, giữa lời khai của bị cáo với lời khai của các nhân chứng; cụ thể là: tại lời khai ngày 23-3-2005 (BL 131) Lê Văn Mạnh khai ngày 21-3-2005 Mạnh chuyển đồ giúp em gái là Lê Thị Nhài, sau đó Nhài đưa Mạnh về nhà bằng xe máy lúc 17h30’ và Mạnh ở nhà xem tivi (phim Phong Vân) không đi ra ngoài. Sau khi bị bắt Mạnh khai từ nhà Nhài về lúc 16h30’ (BL 127), tại phiên tòa phúc thẩm Mạnh lại khai từ nhà Nhài về lúc 17h (BL 253). Lê Thị Nhài khai đưa Mạnh về nhà lúc 17h30’ (BL 97); Lê Thanh Ngọc (chồng của Nhài) khai Nhài đưa Mạnh về nhà lúc 17h30’ (BL 79) sau đó Ngọc lại khẳng định Mạnh về nhà lúc 16h30’ (BL 102). Bà Đỗ Thị Nguyên (là mẹ chồng Lê Thị Nhài) khai khi Nhài đèo Mạnh về thì  lúc đó các cháu học sinh tiểu học cũng về tới cổng nhà Nhài (BL105). Theo xác nhận của Trường tiểu học Yên Thịnh thì ca chiều học sinh tan học lúc 16h30’. Cháu Lê Thị Lệ (là em gái của Mạnh) khai chiều hôm đó đi chăn trâu về, khi đang nấu cơm ở bếp thì thấy Mạnh đi từ sau vườn vào nhà tắm (BL100).

- Cơ quan điều tra cũng chưa xác định sơ đồ hiện trường khu vực nhà ở của gia đình Mạnh như thế nào? Cháu Lệ ngồi ở vị trí nào mà quan sát được Mạnh đi từ vườn vào nhà tắm? Ngày 21-3-2005, Đài truyền hình tỉnh Thanh Hóa có phát hành phim “Phong Vân” không?

Việc điều tra làm rõ những vấn đề trên là cần thiết bảo đảm cho việc có đủ căn cứ kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội  “Giết người” và tội “Hiếp dâm trẻ em” hay không.

Vì các lẽ trên, căn cứ  vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 756/2006/HSPT ngày 26-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 61/2006/HSST ngày 13-3-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung;

3. Tiếp tục tạm giam bị cáo Lê Văn Mạnh cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án.

Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Trong lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn và thiếu thống nhất nhưng chưa được điều tra làm rõ, vì vậy cần phải điều tra lại.

 

  •  10906
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…