Thế chấp tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trong giao dịch dân sự. Theo đó, bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.
Trong quan hệ thế chấp tài sản này, bên thế chấp có một số quyền nhất định. Trong đó, tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên thế chấp có quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp. Quyền này được quy định tại Điều 20 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, trường hợp bên thế chấp thực hiện quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp.
Việc đầu tư vào tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong trường hợp:
- Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;
- Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư nếu việc đầu tư nêu trên làm giảm giá trị tài sản thế chấp.
Trường hợp bên thế chấp, bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp không tuân thủ quy định gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận thế chấp.
Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên thứ ba đầu tư vào tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng các quy định về đầu từ vào tài sản thế chấp nêu trên.