Còn vài ngày nữa là hết hạn nộp đơn tự ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội khóa XIV (13/3/2016), đợt bầu cử năm nay có khác với những năm trước vì sẽ thực hiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
Đại biểu Quốc hội được xem là những người có vị trí quan trọng, vì đại diện cho đa số người dân trong cả nước thực hiện quyền lực Nhà nước.
Vậy quy trình từ lúc tự ứng cử, được bầu cử và trúng cử đại biểu Quốc hội phải thông qua những bước nào, mời các bạn xem qua quy trình sau:
Đầu tiên là phải kiểm tra mình có đủ điều kiện làm đại biểu Quốc hội không?
1. Phải đủ 21 tuổi trở lên.
2. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
4. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
5. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
6. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
(Theo Điều 2 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 và Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)
Lưu ý có 5 trường hợp không được tự ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội, đó là: 1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. 2. Người đang bị khởi tố bị can. 3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án. 4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích. 5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn. |
Nếu đủ các điều kiện trên và đủ tự tin thì chuẩn bị hồ sơ để tự ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội:
- Đơn ứng cử.
- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.
- Tiểu sử tóm tắt.
- 03 ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm.
- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Chuẩn bị xong hồ sơ thì nộp hồ sơ cho Ủy ban bầu cử
Người tự ứng cử nộp 02 bộ hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cưu trú hoặc công tác thường xuyên chậm nhất 70 ngày trước ngày bầu cử.
Hồ sơ hợp lệ thì chuyển cho Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, nếu thấy hợp lệ, Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người tự ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, để đưa vào danh sách hiệp thương.
Sau khi đưa vào danh sách hiệp thương, tổ chức Hiệp thương
- Hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị này.
Hội nghị này căn cứ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử vào đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
- Hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức với sự tham gia của đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
Hội nghị này căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi người đó công tác (nếu có).
Sau khi Hiệp thương, tiến hành tổ chức Hội nghị cử tri
Tại Hội nghị này, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của Hội nghị.
Đồng thời, Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Điều chỉnh kết quả Hiệp thương
Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Tiến hành Hiệp thương lần cuối
(Trình tự tương tự Hiệp thương lần trước. Tuy nhiên, từ kết quả cuộc Hiệp thương này sẽ lựa chọn và lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức
Tiến hành bầu cử
Việc bầu cử đựơc tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín.
Kết thúc bầu cử tiến hành kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử.
Còn mấy ngày nữa là hết hạn nộp đơn tự ứng cử rồi, nên bạn nào cảm thấy mình đủ điều kiện, tự tin và mong muốn đại diện Nhân dân giúp ích cho họ thì nhanh chân lên nào!