DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định về dán nhãn năng lượng cho xe máy, ô tô điện

Avatar

 

Tôi được biết sắp tới đây thì quy định pháp luật bắt buộc phải dán nhãn năng lượng cho xe ô tô, xe máy điện. Vậy nhãn năng lượng của xe bao gồm những nội dung gì và dán như thế nào? Nếu không dán nhãn năng lượng thì bị phạt như thế nào?

1. Quy định về nhãn năng lượng của xe

Tại Thông tư 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện có quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng cho xe ô tô, xe máy điện kể từ khi Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Cụ thể tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư 48/2022/TT-BGTVT có quy định như sau: 

Nhãn năng lượng của xe (sau đây viết tắt là nhãn năng lượng) là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng và các thông tin liên quan của các loại xe như sau:

- Đối với xe ô tô con thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện: mức tiêu thụ điện năng;

- Đối với xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài và xe mô tô hybrid điện nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu, mức tiêu thụ điện năng;

- Đối với xe mô tô hybrid điện không nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng và mức tiêu thụ nhiên liệu.

=> Theo đó, nhãn năng lượng của xe sẽ bao gồm các thông tin về năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng và các thông tin liên quan của các loại xe tương ứng.

2. Dán nhãn năng lượng cho xe ô tô, xe máy điện tại vị trí nào? 

Tại Điều 9 Thông tư 48/2022/TT-BGTVT, việc dán nhãn năng lượng cho xe ô tô, xe máy điện quy định như sau:

- Cơ sở SXLR, NK tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương.

- Đối với các xe cùng sử dụng chung một Báo cáo thử nghiệm tiêu thụ năng lượng thì cơ sở SXLR, NK có thể công khai thông tin trên cùng một nhãn năng lượng.

- Vị trí dán nhãn năng lượng

+ Đối với xe ô tô con thuần điện và xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài: nhãn năng lượng phải được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe. Đối với trường hợp khó quan sát khi dán bên trong xe thì được phép dán bên ngoài xe tại vị trí dễ quan sát.

+ Đối với xe gắn máy thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe mô tô hybrid điện: nhãn năng lượng phải được dán tại vị trí dễ quan sát.

3. Quy định về xử phạt dán nhãn năng lượng

Tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 48/2022/TT-BGTVT có quy định như sau:

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính thì thông báo bằng văn bản tới Cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Tại Điều 30 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với vi phạm quy định về dán nhãn năng lượng và sử dụng nhãn năng lượng như sau:

- Xử phạt đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng như sau:

+ Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng trong trường hợp tái phạm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, phân phối.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách sau đây:

+ Gắn nhãn năng lượng lên phương tiện, thiết bị hoặc bao gói có kích thước không phù hợp;

+ Thay đổi kích thước nhãn năng lượng tăng hoặc giảm không theo tỷ lệ;

+ Làm che lấp, gây nhầm lẫn ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn năng lượng.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không thực hiện công bố hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị;

+ Tiếp tục dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị hoặc không thực hiện công bố lại khi có thay đổi tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng do cơ quan có thẩm quyền công bố.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với hồ sơ công bố hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị (bao gồm cả kinh doanh phân phối sản phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số);

+ Tuyên truyền, quảng cáo cung cấp thông tin về hiệu suất năng lượng không đúng sự thật về mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng (bao gồm cả kinh doanh phân phối sản phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số).

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với hồ sơ công bố hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng hoặc dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi chưa thực hiện công bố dán nhãn năng lượng.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động dán nhãn năng lượng từ 04 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 134/2013/NĐ-CP

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên phương tiện, thiết bị hoặc bao bì đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 30 Nghị định 134/2013/NĐ-CP;

+ Buộc thu hồi sản phẩm đã dán nhãn năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 30 Nghị định 134/2013/NĐ-CP.

=> Theo đó, đối với hành vi vi phạm dán nhãn năng lượng lần đầu sẽ bị phạt cảnh cáo. Trường hợp tái phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tổ chức sẽ bị phạt gấp 02 lần mức phạt này là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. 

Như vậy, việc dán nhãn năng lượng cho xe ô tô, xe máy điện là quy định bắt buộc từ ngày 01/7/2023. Nhãn năng lượng phải có đầy đủ thông tin và dán đúng ví trị theo quy định. Trường hợp không dán nhãn năng lượng sẽ bị phạt cảnh cáo và phạt tiền tối đa 40.000.000 đồng.

  •  1318
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…