Mấy bữa nay lướt hết các web xem tin tức thì thấy nào là liên tiếp các vụ con ruồi, dị vật trong chai nước ngọt rồi đến chuyện không được bồi thường ngộ độc vì thiếu hóa đơn mua bánh mì…
Liên tiếp các sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng với tình hình như hiện nay liệu có mấy người tiêu dùng dám kiện đòi bồi thường vì quyền lợi của mình bị ảnh hưởng? Lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm và công lý liệu có còn?
Năm 2010, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập, thúc đầy ngành thương mại hàng hóa dịch vụ phát triển. Theo đó, có các điểm lưu ý như sau:
Khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Quyền của người tiêu dùng 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. |
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 9, người tiêu dùng có nghĩa vụ:
Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. |
Tại Khoản 8 Điều 10 có nêu:
Các hành vi bị cấm 8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. |
Điều 23. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra 1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này. |
Điều 24. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. |
Luật cũng có quy định các phương thức giải quyết tranh chấp:
Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: a) Thương lượng; b) Hòa giải; c) Trọng tài; d) Tòa án. |
Như vậy, việc xử lý thông qua Tòa án là phương thức hay nói cách khác là sự lựa chọn cuối cùng để giải quyết tranh chấp giữa khách hàng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi mà việc giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng chưa thỏa đáng.
Nếu vụ việc được đưa đến Tòa án thì cũng chỉ xử lý dân sự theo Luật bảo vệ người tiêu dùng. Vụ việc con ruồi và chai nước ngọt liệu có đang xử lý theo hướng hình sự hóa?
Điều 42. Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. |
Rồi khi giải quyết bằng Tòa án, đòi hỏi phải có chứng cứ rõ ràng thì mới có thể kiện được, ví như vụ ông A ăn phải bánh mì và bị ngộ độc. “Khi chân mình bị đau, người ta chỉ biết nghĩ đến cái chân đau của mình”, ông A cũng vậy, gặp trường hợp bị ngộ độc, ông lo uống thuốc, uống thuốc không khỏi, ông mới tìm đến bệnh viện. Điều trị xong, đến khi về nhà, khỏe hẳn ông mới nhớ rằng mình phải kiện tiệm bánh mì B vì đã bán bánh mì không đảm bảo chất lượng an toàn. Đến khi kiện rồi thì không có chứng cứ nên bị bác đơn kiện.
Hơn nữa, việc kiện tụng là mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Người tiêu dùng này thấy hành trình đi tìm công lý của “người đi trước” mà ngán ngẩm, nếu có xảy ra trường hợp tương tự cũng chỉ đòi bồi thường, không được bồi thường thì chỉ bằng cách dọa chứ chẳng dám kiện vì công sức, tiền bạc, thời gian bỏ ra quá nhiều.
Từ sau các vụ việc trên, trước hết, người tiêu dùng nên “khôn ngoan” học cách tự bảo vệ mình. Như việc phát hiện có dị vật hay ruồi trong thực phẩm thì phải dùng điện thoại chụp lại hình, rồi quay phim, nếu được thì nhờ người xung quanh làm chứng…Còn đến mức bị ngộ độc thì phải nhập viện ngay khi có dấu hiệu, đồng thời phải yêu cầu bệnh viện xét nghiệm nguyên nhân ngộ độc do ăn gì, uống gì để có bằng chứng mà đi kiện.
Bên cạnh đó, cơ quan xét xử cũng nên đứng về phía người tiêu dùng khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Kết quả xét xử thỏa đáng sẽ phần nào tạo được lòng tin trong nhân dân.