DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phân biệt hợp đồng dịch vụ dân sự với hợp đồng lao động: Khó phân biệt loại hợp đồng giữa Grab, Uber với tài xế

Avatar

 

Tháng 1/2018, sau 2 năm tiến hành thí điểm triển khai “Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ Giao thông vận tải, những tranh luận về việc xác định loại hình vận tải cho Grab, Uber là một loại hình dịch vụ vận chuyển thông thường hay là một dịch vụ kỹ thuật số vẫn chưa được rõ ràng. Một trong những điều đáng quan tâm ở đây, là việc chưa xác định được loại hình vận tải cho 2 công ty này dẫn đến việc khó xác định loại hợp đồng giữa tài xế với Grab, Uber là hợp đồng dịch vụ dân sự hay hợp đồng lao động.

Việc không phân biệt rõ ràng giữa hai dạng hợp đồng này có thể gây nhiều bất lợi cho người lao động- cụ thể ở đây là các tài xế của Grab và Uber về những quyền lợi cơ bản như chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Về bản chất, “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng”(Điều 15 Bộ luật lao động 2012). Theo đó, có thể hiểu hợp đồng lao động là hợp đồng mua bán sức lao động, với đối tượng là việc làm có trả lương; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng thường bị giới hạn bởi khung pháp lý nhất định, như quy định thời gian làm việc trong ngày tối đa là 8 giờ; đây là hợp đồng mang tính ấn định về chủ thể, trong đó người lao động phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng; bên cạnh đó, hợp đồng lao động còn được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định đã đươc xác định. Đối với hợp đồng dịch vụ, đó là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng” (Điều 513 Bộ luật dân sự 2015). Tham khảo thêm Điều 79 Luật thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ theo kết quả công việc:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải đạt được một kết quả nhất định thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn kết quả cần đạt được, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của loại dịch vụ đó.”

phan-biet-hop-dong-dich-vu-dan-su-voi-hop-dong-lao-dong

Có thể thấy, hợp đồng lao động khác hợp đồng dịch vụ ở một số điểm như:

– Người lao động được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ quản lý cả về thời gian, công việc hàng ngày, có quyền điều chuyển người lao động làm công việc khác trong từng trường hợp cụ thể… sao cho phù hợp với nhu cầu của mình trong từng giai đoạn. Đối với hợp đồng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ không phải chịu sự “điều hành” bởi người thuê dịch vụ. Người cung cấp dịch vụ phải tự tổ chức công việc sao cho đạt được kết quả theo hợp đồng dịch vụ;

– Người lao động được hưởng lương theo hợp đồng lao động. Trong khi đó người cung cấp dịch vụ được hưởng theo kết quả công việc phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng;

– Trong hợp động lao động, người lao động phải tự mình thực hiện hợp đồng lao động, không được chuyển giao cho người khác. Đối với hợp đồng dịch vụ, bên cung cấp dịch vụ được thay đổi người thực hiện hợp đồng nếu được sự đồng ý của bên yêu cầu dịch vụ.

– Về thời gian thực hiện hợp đồng, hợp đồng lao động phải được thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian nhất định đã thỏa thuận trước, không được tự ý ngắt quãng hợp đồng, trừ khi pháp luật lao động có quy định. Còn trong hợp đồng dịch vụ, thời gian thực hiện hợp đồng không cần liên tục, chỉ cần hoàn thành xong công việc, việc ngắt quãng phụ thuộc vào người thực hiện công việc.

Trong quan hệ giữa các tài xế với Grab và Uber, Grab và Uber cho rằng họ là đơn vị cung cấp ứng dụng mà không phải công ty vận tải. Các tài xế tham gia Grab, Uber đều tự sử dụng xe riêng của mình, bên công ty chỉ cung cấp ứng dụng đặt xe từ phía khách hàng cho tài xế, và trừ vào chiết khấu của mỗi tài xế theo chuyến đi mà không phải trả lương theo hợp đồng. Mặt khác, về thời gian, giữa Grab và Uber với tài xế không có sự thỏa thuận về thời gian rõ ràng là liên tục hay một thời gian cụ thể mà tài xế có thể tự chủ động linh hoạt về thời gian… Tuy nhiên, Grab, Uber vẫn là phía quản lý về việc đặt xe của khách hàng, giá cước, chỉ định tài xế đón khách, thu tiền. Trong khi, hiện nay vẫn chưa xác định được loại hình vận tải cho 2 đơn vị này, do đó, vẫn coi hợp đồng giữa tài xế với Grab và Uber là hợp động dịch vụ dân sự nên giữa họ không có sự ràng buộc với nhau. Vì thế, các tài xế sẽ không được công ty chi trả các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng thì các tài xế sẽ không được hưởng những phúc lợi cơ bản.

 
  •  10561
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…