DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phân biệt hành vi chiếm đoạt tài sản với một số hành vi khác trong BLHS 2015

Avatar

 

Phân biệt hành vi chiếm đoạt tài sản với một số hành vi khác trong BLHS 2015

LÊ THU THẢO (Giảng viên Khoa pháp luật - Trường ĐH ANND) - Trong phạm vi bài viết, tác giả xin phép tập trung so sánh hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 với một số hành vi khác trong BLHS 2015 có nét tương đồng dễ gây ra nhầm lẫn, từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nghiên cứu cũng như áp dụng quy định của tội danh này trên thực tế.               

Dưới góc độ khoa học luật hình sự thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đã vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thông qua hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn hoặc đến thời hạn trả lại tài sản dù có khả năng, điều kiện trả lại tài sản mà cố tình không trả hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hoặc dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 1. Phân biệt hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Theo quy định ở Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là trường hợp người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng mà thuộc một số các trường hợp luật định. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin mà tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác nhau ở một số nội dung sau:

– Về thời điểm người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau khi có giao dịch hợp pháp của hai bên, người phạm tội mới có ý định chiếm đoạt tài sản. Hay nói cách khác sau khi có được tài sản người phạm tội mới có ý định chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ý định chiếm đoạt tài sản có trước thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước việc giao tài sản.

– Về hành vi phạm tội

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội có hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc đến thời hạn mà không trả dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể là người phạm tội đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là sự thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động, bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Ở tội danh này, người có tài sản bị người phạm tội lừa dối nên mới giao tài sản cho người đó.

– Về việc sử dụng thủ đoạn gian dối

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn gian dối phát sinh sau khi nhận tài sản của người khác hay nói cách khác là người phạm tội chỉ có được tài sản sau khi có các hợp đồng hợp pháp. Thủ đoạn gian dối được thể hiện ở việc che đậy hành vi của người phạm tội nhằm không trả lại tài sản hoặc trị giá tài sản đúng nghĩa vụ của hợp đồng được giao kết trước đó. Người phạm tội có thể nói dối bị mất, bị đánh tráo hoặc rút bớt tài sản… so với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối trong tội LDTNCĐTS chỉ có xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi lừa đảo thể hiện ở việc đưa ra thông tin không đúng sự thật với nhiều cách thức khác nhau làm người này tin tưởng là thật và giao tài sản, việc giao tài sản cho người có thủ đoạn gian dối hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của người bị lừa dối. Hành vi dùng thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng có trước hoặc đi liền với hành vi nhận tài sản từ người khác và được coi là điều kiện để thực hiện việc chiếm đoạt. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội là nguyên nhân trực tiếp của việc chuyển dịch tài sản từ người quản lý sang người phạm tội.

– Về thời điểm hoàn thành tội phạm

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều hoàn thành khi chiếm đoạt được tài sản. Hai tội danh này khác nhau ở thời điểm có ý thức chiếm đoạt tài sản, người phạm tội lừa đảo có ý thức chiếm đoạt ngay từ ban đầu và để đạt được mục đích chiếm đoạt đó, họ thực hiện các hành vi gian dối để nhận được tài sản rồi chiếm đoạt. Vì vậy, ngay sau khi họ nhận được tài sản cũng là thời điểm họ chiếm đoạt tài sản, là thời điểm tội phạm hoàn thành. Còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có hành vi chiếm đoạt sau khi họ đã có tài sản của chủ tài sản trong tay một cách ngay tình. Sau đó nếu họ có các hành vi như dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn… để không trả lại tài sản thì mới cấu thành tội phạm này. Do đó, thời điểm hoàn thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thời điểm người phạm tội vi phạm những cam kết đã thỏa thuận, cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản của người khác.

– Về trị giá tài sản bị chiếm đoạt

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trị giá tài sản từ 4.000.000 trở lên đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định ở BLHS thì mới phạm tội. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do tính nguy hiểm cao hơn nên trị giá tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì phạm tội.

Qua một số phân tích trên, nhận thấy: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác nhau ở mặt khách quan mà chủ yếu là thông qua hình thức hợp đồng như thế nào. Với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, việc ký kết hợp đồng chỉ nhằm mục đích vay, mượn, thuê… được tài sản. Người phạm tội nhận tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp thông qua hợp đồng đã giao dịch trước và trong khi nhận tài sản không có ý thức chiếm đoạt tài sản. Sau đó nếu họ có dấu hiệu bỏ trốn hoặc đến hạn không trả dù có điều kiện khả năng trả lại tài sản, hoặc dùng thủ đoạn gian dối hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp thì mới bị coi là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong những trường hợp này, sử dụng thủ đoạn gian dối không phải là dấu hiệu bắt buộc của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, với tội lừa đảo chiếm đoạt, người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản trước khi người bị hại trao tài sản. Nếu trong trường hợp người phạm tội có được tài sản bằng giao dịch hợp đồng với người bị hại, thì hợp đồng này thực chất là phương thức để chiếm đoạt tài sản, mang tính chất giả tạo, gian dối nhằm tạo lòng tin để người bị hại trao tài sản. Khi người phạm tội nhận được tài sản từ hợp đồng cũng là thời điểm hoàn thành của tội phạm. Hành vi gian dối là cơ sở quyết định việc chiếm đoạt được tài sản nên là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Khi xem xét một hành vi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay LDTNCĐTS phải xem xét đến các căn cứ chứng minh người phạm tội trước khi giao dịch ký kết hợp đồng có ý định chiếm đoạt tài sản hay không và hợp đồng giao dịch tài sản là ngay thẳng, hợp pháp hay gian dối.

2. Phân biệt hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã làm những việc vượt ra ngoài phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình mà pháp luật quy định để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn cùng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản, người thực hiện các hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp và đều có hành vi LDTNCĐTS.

Tuy nhiên, với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội chiếm đoạt tài sản do chính họ đang quản lý còn đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì tài sản do người khác quản lý.

Điểm khác nhau rõ nét nhất đó là về chủ thể của hai tội danh này. Nếu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì chủ thể là người được chủ tài sản tín nhiệm giao quản lý tài sản, là chủ thể thường, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thì ngoài các dấu hiệu trên thì chủ thể của tội phạm này phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã thực hiện hành vi lạm dụng sự  “tín nhiệm” của chủ tài sản, chiếm đoạt toàn bộ hoặc một phần tài sản trong hợp đồng. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã lạm dụng “chức vụ, quyền hạn” uy hiếp tinh thần chủ tài sản hoặc gian dối hoặc dung thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, người thực hiện tội phạm có thể thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn khác nhau: cũng có thể là lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối để chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp người khác để chiếm đoạt tài sản…

Cùng là lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để chiếm đoạt tài sản nhưng nguồn gốc của sự lợi dụng này là khác nhau. Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì sự tín nhiệm có được từ uy tín của người phạm phạm tội, trong khi đó ở tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản sự tín nhiệm lại bắt nguồn từ chức vụ, quyền hạn mà họ có.

Như vậy, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản mình được giao trên cơ sở hợp đồng (lạm dụng tín nhiệm của chủ tài sản). Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình (chức vụ, quyền hạn được sử dụng như phương tiện để chiếm đoạt). Tuy nhiên, để phân biệt rõ trên thực tế, trường hợp nào chỉ sử dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản và trường hợp nào sử dụng chức vụ, quyền hạn để lấy sự tín nhiệm của chủ tài sản lại là việc không dễ, cần căn cứ vào tổng hợp các tình tiết trong vụ án thực tế để xác định tội danh một cách chính xác.

3. Phân biệt hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi tham ô tài sản

Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội phạm tham nhũng. Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vu, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Ở hai tội này có những điểm giống nhau là: cả hai hành vi phạm tội đều xâm phạm quyền sỡ hữu, sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; mặt khách quan đều là tội cấu thành vật chất; mặt chủ quan: đều là lỗi cố ý trực tiếp với mục đích tư lợi. Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khác nhau ở các dấu hiệu sau đây:

– Về khách thể, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm phạm quan hệ sở hữu. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản mà người phạm tội nhận được một cách ngay thẳng thông qua các hình thức hợp đồng. Trong khi tội tham ô sài sản xâm phạm khách thể trực tiếp là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý.

– Về chủ thể, chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường, chỉ cần có đủ các điều kiện của chủ thể là đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về tội danh này. Còn đối với tội tham ô, chủ thể phải thỏa mãn các dấu hiệu của chủ thể tội phạm thông thường, còn cần có thêm một dấu hiệu nữa: là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản bị chiếm đoạt. Những người không có chức vụ, quyền hạn chỉ có thể là đồng phạm về tội tham ô tài sản với vai trò là người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức.

– Về mặt khách quan, cùng là hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng cách thức và biện pháp chiếm đoạt khác nhau. Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản biểu hiện ở hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc đến hạn có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản. Tội tham ô tài sản là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, đánh tráo tài sản do mình quản lí thành tài sản cá nhân, làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định hoặc do cơ quan, tổ chức mà người đó quản lí.

4. Phân biệt hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là sự chuyển hóa từ giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp sang hành vi phạm tội. Ranh giới để có thể phân biệt hai phạm trù trên thực sự rất mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn. Cơ sở để có thể phân biệt rõ ràng ranh giới này chính là việc chúng ta cần xác định rõ người vi phạm hợp đồng có hay không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi người vi phạm hợp đồng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì ta mới có thể khởi tố họ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hay nói cách khác chúng ta phải có căn cứ chứng minh được học có cố ý không trả lại tài sản không, có mục đích chiếm đoạt tài sản không, bên vi phạm có thực sự mất quyền sở hữu tài sản hay chưa… Các dấu hiệu này đã được quy định trong cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: bỏ trốn, dùng thủ đoạn gian dối, dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không trả lại được tài sản, đến hạn trả lại tài sản dù có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn rất nhiều vụ việc nhầm lẫn giữa hai vấn đề này.

Theo Tạp chí tòa án

 

  •  3974
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…