DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

NỘI DUNG TÓM TẮT CÁC NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Avatar

 

Topic này cập nhật các Nghị định do Chính phủ ban hành với mong muốn phần nào giúp đỡ các thành viên nắm bắt pháp luật một cách dễ dàng hơn.

Uớc muốn vô hạn nhưng năng lực thì hữu hạn nên mình chỉ cập nhật các Nghị định do Chính phủ ban hành từ tháng 11/2013 trở về sau.

Văn bản

1. Nghị định 150/2013/NĐ-CP

Hiệu lực

20/12/2013

Mục đích ban hành

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Cán bộ, công chức (năm 2008) và Luật Viên chức (năm 2010), đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng.

Nội dung tóm tắt

Nghị định gồm 3 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 về các nội dung: Đối tượng áp dụng; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Nghị định, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là từ 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định chuyển đổi.

 

Văn bản

2. Nghị định 151/2013/NĐ-CP

Hiệu lực

20/12/2013

Những quy định tại Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Quyết định số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trái với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Mục đích ban hành

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Tổng công ty hoạt động có hiệu quả, củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Nội dung tóm tắt

Nghị định gồm 5 chương, 39 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ; hình thức tổ chức hoạt động; cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty; tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty; xác định giá trị phần vốn nhận bàn giao; quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của Tổng công ty; tài chính của Tổng công ty; quản lý đối với hoạt động của Tổng công ty.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này cho Tổng công ty ngay sau khi các doanh nghiệp này hoàn thành cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý Nhà nước đối với Tổng công ty theo chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành phù hợp với quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với Tổng công ty trong việc chấp hành các quy định quản lý hành chính trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

 

Văn bản

3. Nghị định 152/2013/NĐ-CP

Hiệu lực

25/12/2013

Mục đích ban hành

Để quy định cụ thể việc khách du lịch là người nước ngoài mang xe ô tô, xe mô tô vào Việt Nam du lịch, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch bằng đường bộ, qua đó tạo thuận lợi cho hình thức du lịch caravan phát triển.

Nội dung tóm tắt

Nghị định gồm 4 chương, 16 điều, quy định về phương tiện cơ giới của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch.

Theo Nghị định, phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp bất khả kháng, phương tiện có thể lưu lại Việt Nam, nhưng không quá 10 ngày.

Phương tiện cơ giới nước ngoài muốn tham gia giao thông tại Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (1) Phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện; (2) Có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải; (3) Phương tiệnphảilà xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe mô tô; thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký tại nước ngoài và gắn biển số nước ngoài; có Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô); (4) Người điều khiển phương tiện là công dân nước ngoài, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng, kể từ ngày nhập cảnh và phải có thị thực (trừ trường hợp được miễn thị thực) phù hợp với thời gian tạm trú tại Việt Nam; có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển.

Trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam, phương tiện cơ giới nước ngoài phải có phương tiện đi trước dẫn đường. Phương tiện dẫn đường là xe ô tô hoặc mô tô (trường hợp khách du lịch mang xe mô tô) do doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.

 

Văn bản

4. Nghị định 153/2013/NĐ-CP

Hiệu lực

24/12/2013

Các trường hợp đã chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các ngành được tính thâm niên nghề theo quy định, sau đó nghỉ hưu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này; cụm từ "bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ" và các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ tại các điều, khoản của Nghị định 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007.

Mục đích ban hành

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của các đối tượng trên và thuận lợi, thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Nội dung tóm tắt

Nghị định gồm 3 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 về các nội dung sau:

Đối tượng áp dụng (Điều 2); Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội (Điều 33); Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 34); Tổ chức bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (Điều 48); Trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ (Điều 49); Quy định chuyển tiếp (Điều 50).

Theo Nghị định, đối tượng áp dụng được bổ sung là: Hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên Công an nhân dân được hưởng sinh hoạt phí.

Về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện và được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định đối với từng đối tượng tại thời điểm giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội.

 

Văn bản

5. Nghị định 154/2013/NĐ-CP

Hiệu lực

01/01/2014

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các quy định tại Chương III Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin hết hiệu lực.

Các khu công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) được công nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định này thì không phải thực hiện lại các thủ tục công nhận và được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định này.

Mục đích ban hành

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về quản lý và phát triển khu CNTTTT, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Nội dung tóm tắt

Nghị định gồm 7 chương, 29 điều, quy định về việc thành lập, mở rộng, công nhận khu CNTTTT; tổ chức quản lý hoạt động, cơ chế, chính sách và hoạt động quản lý nhà nước đối với khu CNTTTT.

Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư, thành lập, quản lý và các hoạt động khác liên quan đến khu CNTTTT.

Nghị định quy định cụ thể về: Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí của khu CNTTTT; quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTTTT; điều kiện thành lập, mở rộng, thẩm quyền và trình tự thành lập, mở rộng khu CNTTTT; nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu CNTTTT; chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng khu CNTTTT và tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong khu CNTTTT.

Theo quy định của Nghị định, khu CNTTTT phải có ít nhất 2.000 lao động làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin, chiếm tối thiểu 60% tổng số lao động làm việc trong khu. Đối với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin phải có ít nhất 1.000 lao động làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin, chiếm tối thiểu 60% tổng số lao động làm việc trong khu. Đối với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin thì tổng diện tích đất tối thiểu phải đạt 01 ha; trường hợp khu có thêm các hoạt động khác thì tổng diện tích đất tối thiểu phải đạt 05 ha.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thẩm định công nhận khu CNTTTT, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(Còn nữa)

  •  27278
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

4 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…