DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Avatar

 

Nhằm góp phần tích cực cho quan hệ hợp tác quốc tế trong thực hiện có hiệu quả Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, ký tại Washington D.C ngày 01/3/1973 (Conversion on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - gọi tắt Công ước CITES) mà Việt Nam là quốc gia thành viên, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ trang sức ngày càng gia tăng và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là nạn săn, bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ với những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp làm suy giảm sự đa dạng sinh học, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (viết tắt là Nghị định 157/2013/NĐ-CP); Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (viết tắt là Nghị định 26/2005/NĐ-CP) ; Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 26/2005/NĐ-CP (viết tắt Thông tư 55/2006/TT-BTC),…

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đấu tranh xử lý, ngăn ngừa hành vi vi phạm và góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với việc bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập khi thực thi những quy định trên của các cơ quan thực thi công vụ, mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu tháo gỡ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, qua đó góp phần củng cố niền tin của người dân vào nền pháp chế của Nhà nước ta. Cụ thể:


Thứ nhất, do quy định của văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện thiếu cụ thể nên các cơ quan thực thi pháp luật  áp dụng để  xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều lúng túng, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 157/2013/NĐ-CP có quy định những hành vi vi phạm (trừ hành vi nuôi động vật rừng nhóm IB) được xem xét để truy cứu TNHS bao gồm hành vi vi phạm gây hậu quả mà tang vật là động vật rừng nhóm IB vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa quy định tại Điều 21, 22, 23 của Nghị định này.

Theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định 157/2013/NĐ-CP thì các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất, giết, vận chuyển mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật rừng nhóm IB và các sản phẩm bộ phận của chúng chỉ bị xử lý hình sự nếu giá trị tang vật trên 100 triệu đồng. Đây chính là vướng mắc, bất cập, bởi lẽ, căn cứ xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP đều dựa vào giá trị quy ra tiền của động vật rừng, bộ phận hoặc dẫn xuất của chúng. Tuy nhiên, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị Nhà nước cấm lưu hành trên thị trường từ rất lâu, do đó việc định giá thuộc đối tượng vi phạm này cũng không thể căn cứ vào giá thị trường để Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính tham chiếu, càng bế tắc hơn trong những trường hợp phải xử lý bằng pháp luật hình sự, mà theo đó, tại Điều 7[1] và Điều 13[2] của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP có quy định về việc thành lập Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt và căn cứ định giá tài sản. Để hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 (Viết tắt Thông tư 55/2006/TT-BTC), mà theo đó, tại mục 1 phần II của Thông tư 55/2006/TT-HTC có quy định về nguyên tắc định giá như sau:

“Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời, cụ thể như sau:

a/ Giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.

Đối với tài sản bị xâm phạm là loại tài sản Nhà nước định giá, thì giá của tài sản cần xác định là giá do Nhà nước quy định tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.

Đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường (tài sản chuyên dùng, đơn chiếc), giá tài sản cần xác định phải bảo đảm được chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu tài sản đó tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.

b/ Mức giá tài sản được xác định để làm cơ sở cho việc định giá là mức giá bình quân của tháng. Thời gian để thu thập mức giá tài sản bị xâm phạm là một tháng (30 ngày) trước và một tháng (30 ngày) sau ngày tài sản bị xâm phạm; nếu trong thời gian trên mà không thu thập được đầy đủ thông tin làm cơ sở cho việc định giá thì mở rộng thời gian thu thập thông tin về giá thêm một tháng về trước và  một tháng về sau. Khi tiến hành điều tra thu thập thông tin về giá của tài sản bị xâm phạm phải được gắn với những yếu tố về cung, cầu, thị hiếu và sức mua trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường.  Điều kiện thương mại bình thường là việc mua bán được tiến hành khi các yếu tố cung, cầu, giá cả, sức mua không xẩy ra những đột biến do chịu tác động của thiên tai, địch họa…các thông tin cung, cầu, giá cả tài sản bị xâm phạm được thể hiện công khai trên thị trường.

c/ Giá tài sản được xác định làm căn cứ khi định giá tài sản bị xâm phạm phải được thu thập tại nơi tài sản bị xâm phạm. Nơi tài sản bị xâm phạm được tiến hành khảo sát là các trung tâm thương mại, các tổ chức và cá nhân có sản xuất các tài sản cùng loại hay tài sản tương đương với tài sản bị xâm phạm thuộc phạm vi đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện)….

Về căn cứ xác định giá, Điều 2 của Thông tư 55/2006/TT-BTC quy định:

“a/ Giá phổ biến trên thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Giá phổ biến trên thị trường là giá mua, bán theo thỏa thuận đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương và là mức giá có số lần xuất hiện nhiều nhất trên thị trường trong thời gian, địa điểm tài sản bị xâm phạm.

b/ Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đã được áp dụng tại địa phương nơi tài sản bị xâm phạm và tại thời điểm tài sản bị xâm phạm.

c/ Giá của tài sản cần định giá được xác định trong tài liệu hồ sơ hợp pháp về loại tài sản đó của chủ sở hữu tài sản (nếu có).

d/ Giá trị thực tế của tài sản cần định giá:

- Đối với tài sản mới: Hội đồng định giá tài sản xác định giá tài sản theo tài sản cùng loại hoặc tài sản tương đương và còn mới 100%.

- Đối với tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá tài sản phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi đã tính phần hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại của tài sản đó.

e- Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá là những căn cứ xác định giá trị thị trường của tài sản cần định giá như những thông tin, dữ liệu về mặt kỹ thuật và về mặt pháp lý của tài sản; giá chuyển nhượng tài sản thực tế có thể so sánh được trên thị trường; mức độ sử dụng tốt nhất có khả năng mang lại giá trị cao nhất, hiệu quả nhất của tài sản; quan hệ cung cầu về tài sản…”

Vậy với tang vật của vụ án là loại không mua bán trên thị trường, cũng không phải đối tượng là loại tài sản Nhà nước định giá thì Hội đồng định giá đó giải quyết như thế nào?

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp mà tang vật vi phạm cần định giá là động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ theo Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ - Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, Hội đồng định giá cứ “loay quay” mãi mà không xác định được giá trị đối tượng bị xâm hại hoặc tuy xác định được nhưng không bảo đảm cơ sở pháp lý thì đồng nghĩa với việc xử lý không bảo đảm tính chính xác, gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mà nguyên nhân chính do quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, pháp luật cho phép việc thành lập Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt, nhưng trường hợp nào là “đặc biệt”, phải thỏa mản những tiêu chí, điều kiện ra sao?…

Vấn đề này hiện nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên cũng không thể vận dụng quy định này vào thực tiễn. 

 Loại ý kiến thứ nhất, do không xác định được giá phổ biến trên thị trường của con Hổ tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cũng không có quy định giá đối với loài động vật quý, hiếm này; cũng không có cơ sở thẩm định giá trị thực tế con Hổ đó là bao nhiêu, nên Hội đồng định giá chấp nhận đề nghị mức giá mà phía đơn vị Q đưa ra là 448.578.000 đồng.

Loại ý kiến thứ hai, việc định giá như trên là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý, vì giá trị của con Hổ cần định giá được Hội đồng định giá xác định trong tài liệu hồ sơ hiện có không bảo đảm tính hợp pháp, vì thực tế đơn vị Q mua con hổ đó của một thợ săn người Campuchia, việc mua bán này là trái pháp luật, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, thông tin về giá mua hoàn toàn do phía đơn vị Q cung cấp, hơn nữa theo Công ước CITES mà Việt Nam là quốc gia thành viên, thì pháp luật không thể đứng về phía đơn vị Q để bảo vệ cho việc mua, bán trái phép đó.

 Loại ý kiến thứ ba, trường hợp này do tính chất đặc biệt của vụ án nên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản cho riêng vụ việc đó theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 26/2005/NĐ-CP. Từ những vướng mắc này dẩn đến việc vụ án bị kéo dài trong qúa trình xử lý và quan trọng hơn là căn cứ pháp lý đưa ra kết quả định giá của Hội đồng định giá trong vụ án này chưa thật sự thuyết phục, nếu không muốn nói là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý.


Thứ hai, trước đây Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (gọi tắt Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT) là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để truy tố, xét xử hành vi phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, theo Điều 190 BLHS năm 1999, nhưng sau khi Điều 190 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, để thực hiện điều luật đã được sửa đổi, bổ sung này Nghị định số 160/2013/NĐ-CP được ban hành, mà theo đó, tại Mục 2 Phụ lục 1 Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ - Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP là đối tượng tác độgn của tội phạm quy định tại Điều 190 BLHS hiện hành, nhưng cho đến nay Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nên trong thực tiễn áp dụng đã phát sinh vướng mắc.

Dưới đây là trường hợp cụ thể:

Tháng 11/2013, Nguyễn Trọng H được một người bạn tên M nhờ mua 02 con rắn hổ mang chúa để bán cho người quen với giá 3.000.000 đồng/kg, H đồng ý. Đến ngày 28/11/2013, trên đường chở 02 con rắn hổ mang chúa nặng 4,5 kg để giao cho M theo “hợp đồng” thì bị lực lượng kiểm tra liên ngành của huyện K bắt giữ. Theo kết luận giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam, 02 cá thể động vật sống gửi giám định là loài rắn hổ mang chúa có tên khoa học là Ophiophagus hannah, thuộc nhóm IB. Từ kết luận trên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện K xử lý như thế nào đối với hành vi vi phạm của Nguyễn Trọng H? Truy cứu TNHS hay chỉ xử lý vi phạm hành chính?

Xoay quanh trường hợp cụ thể này, quá trình xử lý có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, hành vi của H đủ điều kiện truy tố và xét xử theo Điều 190 BLHS hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai, theo quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2013, để có cơ sở xử lý hình sự đối với H thì cần phải tiến hành định giá giá trị của 02 cá thể rắn hổ mang chúa, nếu giá trị trên 100 triệu đồng thì mới có cơ sở xem xét xử lý hình sự đối với H. Người viết đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, vì: Rắn hổ mang chúa là đối tượng nằm trong danh sách loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ - Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, nên nếu người nào thực hiện hành vi thỏa mãn quy định tại Điều 190 BLHS hiện hành thì bị xử lý TNHS. Còn các Điều 21, 22, 23 của Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng; vận chuyển động vật rừng trái pháp luật; mua bán, cất giữ, kinh doanh động vật rừng trái với quy định của Nhà nước đối với động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB-Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, trong khi đó qua rà soát đối chiếu, nhóm IB không quy định cá thể rắn hổ mang chúa là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Nghiên cứu khoản 3 Điều 19 Nghị định 160/2013/NĐ-CP: “Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này. Nghĩa là, trường hợp một loài động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP đồng thời cũng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP thì ưu tiên áp dụng quy định Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Bởi trên thực tế Danh mục động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ có đến 69 loài trùng với loài động động vật quy định trong Danh mục loài động vật rừng hoang dã quý hiếm – Ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, như gấu, voi, hổ…. Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP chỉ xử phạt hành chính đối với tang vật là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, nên đây rõ là những vướng mắc, bất cập cần kịp thời hướng dẫn thống nhất trong nhận thức.


Thứ ba, việc các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiến được ưu tiên bảo vệ có tên trong nhiều hơn Danh mục sẽ khiến công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các loài này gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Cụ thể, theo Nghị đinh 32/2006/NĐ-CP loài tê tê Java (Mains javanica) được sắp xếp vào nhóm IIB; hành vi săn, bắt, bẫy, bắn, nuôi, nhốt trái phép loài này chỉ bị xử lý trách nhiệm hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, cùng hành vi này, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu TNHS về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Điều 190 BLHS hiện hành, bởi theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, thì loài tê tê Java (Manis javanica) được xếp vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.


Thứ tư, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 BLHS: “Vật  thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành” thì bị tịch thu sung quỹ nhà nước; điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy” nghĩa là thông qua đấu giá, bán tang vật lấy tiền nộp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 157/2013/NĐ-CP: “ Tang vật vi phạm hành chính là động vật rừng bị tịch thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định biện pháp xử lý”. Tại điểm d khoản 1 mục I Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, mà theo đó, có nhiều biện pháp xử lý, trong đó có biện pháp: “Bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở gây nuôi động vật hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Với quy định về hình thức xử lý tang vật là động vật hoang dã bằng việc cho phép kinh doanh là điểm bất hợp lý, chính việc cho phép bán tang vật ra ngoài thị trường đã đánh đúng vào nhu cầu sử dụng loài động vật nguy cấp, quý, hiếm của người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho số vụ săn bắt động vật thuộc loài này ngày càng tăng nhanh. Hơn nữa, quy định này cũng mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều III của Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên.


Từ những vướng mắc, bất cập trên người viết xin có mấy kiến nghị:

Một là, bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP cụm từ “nếu loài này không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Như vậy sau khi bổ sung, điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP được viết lại như sau: Hành vi vi phạm gây hậu quả vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20; hành vi vi phạm gây hậu quả mà tang vật là thực vật rừng nhóm IA, động vật rừng nhóm IB vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa quy định tại Điều 21, 22, 23 nếu loài này không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái pháp luật vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa quy định tại Điều 22, 23 Nghị định này.

Hai là, sửa đổi nội dung hướng dẫn tại mục 4 Phần IV của Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT cho phù hợp với Điều 190 BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, mà theo đó đối tượng bị tác động của tội phạm này là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Ba là, sửa đổi quy định hiện hành trong các văn bản pháp luật, như Điều 41 BLHS về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Điều 76 BLTTHSvề xử lý vật chứng của vụ án hình sự, để khi vận dụng vào xét xử tội phạm quy định tại Điều 190 BLHS hiện hành cho phù hợp với Công ước CITES hoặc tang vật phải xử lý do vi phạm hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP; Thông tư 90/2008/TT-BNN theo hướng bỏ quy định tịch thu sung quỹ nhà nước, kể cả việc bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật.

Bốn là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Điều 7, 12 Nghị định 26/2005/NĐ-CP và mục 1, mục 2 phần II Thông tư 55/2006/TT-BTC, theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, khi các cơ quan thực thi pháp luật trưng cầu định giá tài sản trong các vụ án hình sự, nhất là đối tượng cần định giá là những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ bị tội phạm xâm hại.

 


[1]Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt

1. Trong trường hợp do tính chất đặc biệt của vụ án hoặc do yêu cầu phải bảo đảm bí mật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản cho riêng vụ việc đó.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể tự lựa chọn hoặc đề nghị cơ quan tài chính giới thiệu những người có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm về loại tài sản cần định giá làm thành viên của Hội đồng.

[2]Căn cứ định giá tài sản

Việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau đây:

1. Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;

2. Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

3. Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;

4. Giá trị thực tế của tài sản cần định giá;

5. Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.

Th.S Lê Văn Sua

Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

 

  •  8809
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…