Tiếp tục lạm bàn về những quy định tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, xin nêu một vài quy định có lẽ là lạ lẫm để mọi người cùng góp ý cho Dự thảo được hoàn thiện hơn.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định này không khả thi vì có một số bãi rác tự phát trong khu dân cư do nhiều người thiếu ý thức gây ra, vậy căn cứ nào để phạt? Rác đó đâu phải nằm trên đất của họ và cũng không phải do họ gây nên.
2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư.
Nếu theo quy định như thấ này thì hành vi tiểu tiện , đại tiện trong các khu vực không được xem là đường hoặc lối đi thì sẽ không bị xử phạt như lên các bồn cây, chậu hoa trong công viên.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác đăng ký, nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở nhưng thực tế không cư trú tại chỗ ở đó.
Thượng tá Cao Văn Đen - Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP.HCM, nêu ý kiến: “Luật Cư trú cho phép công dân được cư trú hợp pháp trên đất nước, không bó hẹp cư trú nơi thường trú, nơi có hộ khẩu. Do đó, có người tuy hộ khẩu ở Q.1, TP.HCM nhưng do đi công tác, làm ăn xa hoặc công việc đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên nên họ không ở tại địa chỉ cư trú, thỉnh thoảng mới về. Như vậy, lấy mốc nào để định nghĩa là cư trú thực tế hay không? Do đó, quy định này theo tôi là không khả thi”.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định.
Thượng tá Cao Văn Đen góp ý: Hiện nay, UBND TP.HCM đã có quy định diện tích sàn khi nhập hộ khẩu, theo đó, phải đảm bảo diện tích sàn 5 m2/nhân khẩu. Khi xét nhập khẩu, cán bộ phải xem giấy chủ quyền nhà của hộ đó để tính toán việc này. Do đó, quy định này không khả thi ở chỗ “đầu vào” không có thì lấy gì để xử phạt? Nếu có xảy ra thì cũng là do cán bộ cho phép nhập khẩu làm sai, lúc đó phải xử phạt cán bộ đó theo nội quy của ngành.
5. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi bỏ lại chứng minh nhân dân sau khi bị kiểm tra, tạm giữ.
Không hiểu ý bỏ lại CMND ở đây hiểu là sao, khi người ta đưa CMND cho ai đó kiểm tra rồi lại quên hặoc lên lấy trễ cũng bị phạt hay sao? Có lẽ điều này cần phải làm rõ hơn nữa.