DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những ai có ý định sống thử hãy đọc qua bài này

Avatar

 

Phải biết chắc 5 điều này nếu muốn sống thử

>>> Chồng ngoại tình: 04 điều vợ cần biết để đảm bảo quyền lợi

Sống thử là khái niệm đã không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Đây là một hiện tượng xã hội, với việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và không hoặc chưa tổ chức hôn lễ. Như vậy, dưới góc độ pháp lý thì những người sống thử phải chịu những rủi ro nào?

Theo quy định pháp luật hiện hành, so với những người có đăng ký kết hôn thì những người sống thử phải chịu những rủi ro, thiệt thòi như sau:

1. Không được pháp luật bảo vệ khi xuất hiện người thứ ba

Theo pháp luật hiện hành, không có quy định nào bắt buộc những người sống thử phải chung thủy với nhau, giữa họ không có một sự ràng buộc pháp lý nào nên cũng không được pháp luật bảo vệ.

Do đó, khi một bên trong quan hệ này ngoại tình thì bên còn lại cũng không thể yêu cầu cơ quan nào xử phạt hay buộc người đó chấm dứt việc ngoại tình.

Đối chiếu với những quy định hiện hành dành cho những người có đăng ký kết hôn như:

Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng:

“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.”

Căn cứ Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

"Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

..."

Theo đó, vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc… và đặc biệt là phải chung thủy với nhau, đảm bảo chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Như vậy, những người được pháp luật công nhận là vợ chồng, sẽ được pháp luật bảo vệ trước người thứ ba.

Khi một người có  hành vi ngoại tình có thể bị xử lý theo chế tài của pháp luật: xử phạt hành chính theo Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, xử lý hình sự theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.

Qua đây ta thấy, so với những người có đăng ký kết hôn thì những người sống thử sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có sự xuất hiện của người thứ ba và cũng không có biện pháp pháp lý nào để bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Khai sinh cho con gặp rắc rối với việc ghi tên cha

Trong trường hợp hai người sống thử mà có con, việc xác định quan hệ cha con sẽ không thể căn cứ vào thời kỳ hôn nhân như Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình, cũng như khi đăng ký khai sinh cho con không có giấy đăng ký kết hôn để xác định cha cho con.

Chính vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì trong Giấy khai sinh cho trẻ chỉ ghi phần thông tin của mẹ và phần ghi về cha sẽ bị để trống.

Trong trường hợp này, nếu người cha muốn nhận con thì căn cứ Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP, Điều 25 và Điều 44 Luật Hộ tịch, người cha phải nộp những chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như: kết quả của cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha con…

3. Quan hệ tài sản rắc rối, phải chứng minh khi có tranh chấp

Khi hai bên sống thử thì tài sản được xác lập trong thời kỳ này không được xác định theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014.

- Khi hai bên có đăng ký kết hôn:

+ Tranh chấp một tài sản mà vợ hoặc chồng đang có là tài sản riêng thì phải có chứng cứ để chứng minh nếu không chứng minh được thì tài sản đó được coi là tài sản chung.(Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình). 

- Trong trường hợp hai bên sống thử, đối với tài sản đứng tên một người thì để chứng minh nó là tài sản chung phải có chứng cứ chứng minh công sức đóng góp của mình.

Khi giải quyết quan hệ tài sản cho những người sống chung như vợ chồng sẽ căn cứ Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình:

"1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập."
Tuy nhiên trên thực tế, khi quan hệ tình cảm còn tốt thường sẽ ít ai quan tâm, tính toán, giữ tại chứng cứ chứng minh sự đóng góp của mình trong việc tạo lập tài sản. Do đó, để xác định tài sản, công sức của mình trong việc tạo lập tài sản khi sống thử là điều khó khăn.

4. Cấp dưỡng nuôi con gặp khó khăn

Khi hai người sống thử chia tay, việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sẽ gặp khó khăn. Không giống với những người có đăng ký kết hôn thì cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình) và việc cấp dưỡng thường được giải quyết khi ly hôn.

Việc chia tay khi sống thử sẽ không phải qua một thủ tục pháp lý nào. Do đó, nếu muốn đòi cấp dưỡng nuôi con thì phải có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con.

5. Chia tay bất cứ lúc nào ngay cả khi người nữ đang mang thai

Khi hai người sống thử, quan hệ không bị ràng buộc bởi một quy định pháp luật nào, nên khi muốn chia tay cũng không cần tuân thủ một thủ tục pháp lý nào. Việc chia tay có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay cả khi người nữ đang mang thai.

Điều này sẽ là thiệt thòi cho các bạn nữ khi sống thử so với những người có đăng ký kết hôn. Bởi vì, trong quan hệ hôn nhân, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. (Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình).

Như vậy các bạn cần nên cân nhắc khi quyết định sống thử để đảm bảo quyền lợi của mình.

  •  4503
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…