DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhập gia tùy tục nghĩa là gì? Khi nào thì tập tục, tập quán vùng miền được pháp luật áp dụng?

Avatar

 

Tôi thấy trong sách báo thường có nhắc đến câu “Nhập gia tùy tục”, vậy cho tôi hỏi ý nghĩa của câu này là gì? Minh Quân - Cần Thơ

1. Nhập gia tùy tục nghĩa là gì? 

Nhập gia tùy tục là câu thành ngữ được truyền lại từ nhiều thế hệ trước đây của người Việt Nam, nhằm mục đích dạy dỗ con cháu về thái độ ứng xử khi giao tiếp xã hội.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của thành ngữ nhập gia tùy tục, thì ta cần xem nghĩa từng chữ trong câu “Nhập gia tùy tục", cụ thể:

- Nhập: gia nhập.

- Gia: gia trong gia đình, có thể hiểu rộng hơn đó là một nơi, một địa điểm, một đất nước nào đó.

- Tùy: tùy có nghĩa thuận theo, nghe theo

- Tục: tục trong phong tục tập quán. Hay có thể hiểu là văn hóa, lối sống của con người tại một vùng một đất nước nào đó. 

Theo Đại Từ điển Tiếng Việt thì nhập gia tùy tục có nghĩa là:

- Vào một gia đình, một nơi nào đó thì phải tuân theo, hoà nhập với lối sống, tập quán, lề thói ở đó. 

- Tham gia vào lĩnh vực nào đó thì phải tuân thủ những nguyên tắc, phương pháp có tính đặc thù của lĩnh vực đó.

Như vậy, ý nghĩa cơ bản của câu thành ngữ “Nhập gia tùy tục" là khi vào nhà người khác hoặc đến một cộng đồng mới, chúng ta cần tôn trọng và tuân thủ phong tục, tập quán của nơi đó. Không nên cố ý áp đặt những thói quen, sinh hoạt riêng của mình lên người khác.

Thông điệp của câu tục ngữ là khuyên con người cần linh hoạt, thích ứng với môi trường, cộng đồng mới. Điều này thể hiện sự tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Ngoài ra, nó cũng thể hiện tinh thần hòa đồng, sẵn sàng học hỏi để hòa nhập.

Ngày nay, ý nghĩa của câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị. Khi chúng ta đi du lịch, công tác, sinh sống ở nước ngoài hay khu vực mới, việc tôn trọng và tuân thủ phong tục tại đó vẫn là điều cần thiết, thể hiện sự tôn trọng và thái độ ứng xử văn minh. Đó cũng chính là tinh thần mà tục ngữ nhắc nhở chúng ta.

2. Khi nào thì tập tục, tập quán của vùng miền được pháp luật áp dụng?

Hiện nay, có nhiều thuật ngữ để chỉ những cách xử sự được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, được nhiều người thừa nhận và tuân theo như “tập quán”, “phong tục”, “tập tục”...một số cách hiểu về những thuật ngữ nói trên:

(1) Tập quán được xem là “thói quen” hay “theo thói quen mà thành ra vững chắc. 

(2) Còn phong tục được xem là “thói quen trong xã hội” hay “đó là một số tập quán và nếp sống có ý nghĩa từ lâu đời và ăn sâu vào đời sống”

(3) Tập tục được hiểu là cách nói tắt của tập quán và phong tục (tập là tập quán, tục là phong tục)

Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật dân sự 2015 thì quy định về việc áp dụng tập quán như sau:

“Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”

Do đó, những tập quán được áp dụng trong giao dịch dân sự phải là các tập quán đã được hình thành trong đời sống dân sự cụ thể, đã được thực hiện và sử dụng thường xuyên được cộng đồng thừa nhận. 

Từ đó hình thành nên một quy ước để mọi người đều tuân theo nó khi thực hiện các giao dịch. Ví dụ điển hình là việc sử dụng đơn vị cân, đong đếm tại các vùng miền của Việt Nam. 

Thông thường theo quy tắc toán học một chục được hiểu là mười nhưng trong mua bán hàng hóa nhất là nông sản ở một số địa phương miền Nam thường dùng đơn vị chục thì được tính là 12 (mua một chục trứng thì được 12 quả trứng...). 

Bên cạnh đó, trong thực hiện và áp dụng pháp luật một số tập tục có thể được áp dụng để giải quyết vụ việc. Trong một số trường hợp, khi quy định về một vấn đề phức tạp đã và đang tồn tại nhiều cách giải quyết phù hợp ở địa phương, nhà làm luật có thể trù liệu là cho phép giải quyết theo tập tục của mỗi địa phương. Chẳng hạn: 

- Đối với nghĩa vụ của người hưởng dụng tại khoản 4 Điều 262 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

"Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.".

 - Đối với việc giải quyết tranh chấp ranh giới bất động sản tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

"Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp…".

- Đối với việc đặt tên cho con tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

"Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ…”.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015.". 

Trong giao dịch dân sự thì sự tự do, tự nguyện trong việc thỏa thuận, cam kết luôn được pháp luật thừa nhận nếu không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do các giao dịch dân sự trong xã hội luôn phát sinh, thay đổi không ngừng và pháp luật cũng không thể dự liệu hết được.

Thừa nhận việc áp dụng tập quán trong giao dịch dân sự giúp cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh được thuận lợi, thông suốt, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, để tập quán được áp dụng và giải quyết các giao dịch dân sự thì tập quán đó không được trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự 2015.

Như vậy, trong đời sống xã hội thì việc áp dụng tập quán để giải quyết các giao dịch dân sự phát sinh khi không có quy định của pháp luật điều chỉnh là điều thật sự cần thiết. 

Việc áp dụng những tập quán tiến bộ để giải quyết các vụ việc dân sự là nhu cầu chính đáng và được pháp luật công nhận. Áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự giúp cho các chủ thể tham gia giải quyết các vụ việc một cách thấu tình, đạt lý, tuân theo pháp luật góp phần ổn định xã hội.

Nguồn tham khảo: http://pbgdpl.camau.gov.vn/

  •  2891
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…