DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhà như thế nào được xếp vào chuẩn nhà biệt thự? Biệt thự nghỉ dưỡng phải đáp ứng thiết kế thế nào?

Avatar

 

Ngày nay chúng ta hay nghe nhiều đến biệt thự nghỉ dưỡng trong các khu resort hoặc biệt thự của cá nhân. Vậy nhà như thế nào được xếp vào chuẩn nhà biệt thự? Biệt thự nghỉ dưỡng phải đáp ứng thiết kế thế nào?

(1) Biệt thự là gì?
Từ thời La Mã cổ đại thì biệt thự được xem là một tư gia, một ngôi nhà đẹp với nhiều công năng và có thiết kế đặc biệt có sân vườn bao quanh. 

Nhắc đến nhà biệt thự là người ta nghĩ ngay đến ngôi nhà rộng rãi, sang trọng và mang đến sự quý tộc. Chủ sở hữu của biệt thự thời xưa thường là những công tước, vua chúa,... 

Tại quy định ở Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì nhà ở được chia thành nhiều loại như: nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ,... Theo đó, biệt thự thuộc nhóm nhà ở riêng lẻ và được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt đối với quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, tại  tiểu mục 1.5.7 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2012/BXD về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật có giải thích nhà biệt thự là: 

“Nhà ở riêng lẻ có sân vườn (cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, …), có tường rào và lối ra vào riêng biệt.”

Như vậy, tổng hợp lại, nhà biệt thự là một dạng của nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp xây dựng trên lô đất của dự án nhà ở. 

Khác với nhà ở riêng lẻ thông thường thì nhà biệt thự có có sân vườn (cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, …), có tường rào và lối ra vào riêng biệt.

(2) Nhà như thế nào được xếp vào chuẩn nhà biệt thự ở Việt Nam?

Loại hình biệt thự đã và đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Có rất nhiều kiểu biệt thự như: Biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, biệt thự phố, biệt thự nhà vườn, biệt thự mini, biệt thự nghỉ dưỡng,… (Mục A.1.2 Phụ lục A QCVN 03:2012/BXD)

Tuy nhiên, dù là loại hình biệt thự nào cũng cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn về thiết kế, không gian, kiến trúc:

- Nhà ở biệt thự có sân vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt

- Diện tích tối thiểu của biệt thự không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất và có ít nhất 3 mặt trông ra sân hoặc vườn.

- Biệt thự không được phép xây dựng quá 3 tầng (không tính các tầng phụ như tầng hầm, tầng áp mái,…). Các nhà biệt thự xây 03 tầng trở lên thì cấp công trình không được nhỏ hơn cấp III (tiểu mục 2.2.2.1.4 Mục 2 QCVN 03:2012/BXD)

- Diện tích đất xây dựng của biệt thự thường từ 120m2 trở lên và có mặt tiền không hẹp hơn 10m. Trong đó, kiểu biệt thự đơn lập hoặc biệt thự song lập với diện tích đất khuôn viên biệt thự không nhỏ hơn 350 m2 và không lớn hơn 500 m2.

Ngoài ra, biệt thự phải nằm trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ảnh: minh họa

(3) Biệt thự nghỉ dưỡng phải đáp ứng thiết kế thế nào?

Căn cứ theo Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12870:2020 có quy định về Yêu cầu thiết kế kiến trúc của biệt thự nghỉ dưỡng như sau:

1. Khi thiết kế biệt thự nghỉ dưỡng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Kiến trúc sang trọng, có thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan môi trường, khuyến khích kế thừa kiến trúc truyền thống;

- Có khuôn viên độc lập;

- Có cảnh quan sân vườn, cây xanh;

- Có lối ra vào riêng cho phương tiện giao thông và người đi bộ;

- Các chi tiết mặt đứng như cửa đi, cửa sổ, chớp che nắng, sênô, lan can, ban công, lô gia, mái, gờ, phào, chỉ, bậc cấp... phải thiết kế phù hợp với hướng gió, hướng nắng.

2. Các phòng/không gian trong biệt thự nghỉ dưỡng cần được thiết kế rộng rãi, hợp lý về dây chuyền sử dụng, thích ứng linh hoạt với nhu cầu chuyển đổi không gian, có hướng mở và tiếp xúc với không gian bên ngoài, bao gồm:

- Sảnh, tiền phòng;

- Các phòng ở chính: phòng tiếp khách, phòng/không gian sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng ăn;

- Các phòng/không gian phụ: bếp, vệ sinh, kho, ban công, logia,...;

- Cầu thang, hành lang.

3. Chiều cao thông thủy tối thiểu các phòng/không gian trong biệt thự nghỉ dưỡng cần đáp ứng yêu cầu sau:

- Các phòng ở chính: không nhỏ hơn 2,7 m;

- Sảnh, tiền phòng và các phòng phụ: không nhỏ hơn 2,4 m.

- Diện tích sử dụng tối thiểu các phòng/không gian trong biệt thự nghỉ dưỡng quy định tại Bảng 1 mục 5.4 TCVN 12870:2020.

Có thể thấy, để xây dựng biệt thự thì người ta cũng phải tuân theo khá nhiều quy tắc, tiêu chuẩn riêng trong thiết kế, kiến trúc, diện tích,...do đó biệt thự xưa nay vẫn luôn là không gian sinh sống mơ ước của nhiều người.

  •  469
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…