Nhà đầu tư thực hiện biện pháp nộp thư bảo lãnh để bảo đảm dự thầu được không? Nhà đầu tư làm sai lệch thông tin trong đấu thầu thì bảo đảm dự thầu có được hoàn trả không?
Nhà đầu tư thực hiện biện pháp nộp thư bảo lãnh để bảo đảm dự thầu được không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 quy định về bảo đảm dự thầu thì nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
- Đặt cọc;
- Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
- Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Do đó, nhà đầu tư được thực hiện biện pháp nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các biện pháp để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Nhà đầu tư làm sai lệch thông tin trong đấu thầu thì bảo đảm dự thầu có được hoàn trả không?
Căn cứ theo điểm b khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 quy định bảo đảm dự thầu không được hoàn trả khi nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023.
Trên cơ sở dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu gồm có gian lận được thể hiện dưới các hình thức sau:
- Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
- Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Như vậy, trường hợp nhà đầu tư làm sai lệch thông tin trong đấu thầu là hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu, vi phạm điểm a khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 do đó bảo đảm dự thầu không được hoàn trả.
Hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư gồm các trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 thì các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:
- Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành;
- Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;
- Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023;
- Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
- Hủy thầu được thực hiện trong thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến trước khi ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung.
- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 và các điểm c, d, đ khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 phải đền bù chi phí cho các bên liên quan.
Tóm lại, nhà đầu tư được thực hiện biện pháp nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.