DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào?

Avatar

 

Phụ nữ đang mang thai là một chủ thể đặc biệt trong việc tố tụng hình sự, pháp luật có những chính sách khoan hồng đối với phụ nữ đang mang thai mà phạm tội. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có nhiều người lợi dụng điều này để trốn tránh thực hiện thi hành án phạt, tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án. Vậy người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì có bị xử lý không?

(1) Phụ nữ mang thai được hưởng những chế độ khoan hồng nào của pháp luật?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015, người bị phạt tù mà là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi

Căn cứ theo khoản 4 Điều 36 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định cải tạo không giam giữ, người phụ nữ mang thai cũng được pháp luật cho hưởng khoan hồng: “Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.”

Người bị kết án cải tạo không giam giữ vẫn phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

Hay tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tử hình: ”Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.”

Phụ nữ đang mang thai còn được xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: 

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai”

Như vậy, đối với phụ nữ mang thai, pháp luật có các sự khoan hồng sau:

- Được hoãn chấp hành hình phạt tù tới khi con đủ 36 tháng tuổi

- Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ mang thai.

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai.

- Người phạm tội là phụ nữ có thai được xem là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

(2) Người phạm tội cố tình mang thai để trốn thực hiện nghĩa vụ thì xử lí ra sao?

Pháp luật có nhiều điều khoản khoan hồng dành cho tội phạm là phụ nữ đang mang thai, do đó, nhiều phạm nhân nữ lợi dụng những Điều luật này, mang thai liên tục nhằm tránh né việc chấp hành án thì sao? 

Theo Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND tối cao đã trả lời vấn đề này như sau: Nếu phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án tù thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.

Do đó, phụ nữ đang mang thai sẽ được hoãn thi hành án, bất kể người đó cố tình mang thai để trốn tránh nghĩa vụ.

(3) Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào?

Ta có thể thấy, trong các điều khoản kết tội đều giảm nhẹ cho phụ nữ mang thai, nhưng nếu người này đang được hoãn chấp hành án phạt mà tiếp tục phạm tội thì sao?

Tại khoản 2 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định về việc tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án như sau:

“Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ Luật Hình sự 2015

Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam theo khoản 4 Điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

- Tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

(4) Kết luận

Có thể thấy, pháp luật Việt Nam khá ưu ái cho đối tượng là phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi có nhiều các tình tiết giảm nhẹ, hoãn các hình phạt cho phụ nữ phạm tội trong lúc đang mang thai, bất kể người đó mang thai là do cố tình hay không.

Chính sách này của pháp luật không chỉ thể hiện sự khoan hồng mà còn bảo đảm quyền được sinh con của phụ nữ, quyền được chăm sóc của trẻ em.

Tuy nhiên, nếu người phạm tội tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn chấp hành án thì pháp luật vẫn có các Điều khoản để điều chỉnh như buộc phải chấp hành hình phạt, hay sử dụng biện pháp tạm giam nhằm không bỏ lọt tội phạm gây hại cho xã hội.

  •  1294
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…