Người làm chứng rất quan trọng trong việc lập di chúc tuy nhiên, không phải loại di chúc nào cũng có người làm chứng. Bộ luật Dân sự quy định 2 trường hợp di chúc phải có người làm chứng đó là di chúc bằng văn bản có người làm chứng và di chúc bằng miệng. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là khi người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc mà phải đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc, còn di chúc miệng là trường hợp người lập di chúc bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Cả hai trường hợp này đều phải có ít nhất hai người làm chứng.
Theo Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, tuy nhiên những người thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ không được làm người làm chứng:
Một là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. Những người này có thể tác động lên ý chí của người lập di chúc khiến họ không thể tự do định đoạt tài sản và ghi vào những nội dung di chúc mà không theo ý muốn của bản thân.
Hai là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc như là đồng sở hữu tài sản, chủ nợ, con nợ, … .Việc làm chứng của những người này sẽ không đảm bảo tính khách quan khi có tranh chấp xảy ra.
Cuối cùng là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Những người này không thể tự chịu trách nhiệm với hậu quả, mặt khác không thể chắc chắn họ nhận thức đúng ý chí của người lập di chúc. Và đương nhiên những người này không thể làm chứng được.
Trên thực tế, người lập di chúc sẽ nhờ luật sư hoặc các công chứng viên làm người làm chứng cho di chúc của mình.