Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Giám hộ như sau:
"1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.”
Việc quản lý tài của người giám hộ được quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo quy định trên, người giám hộ sẽ quản lý tài sản của người được giám hộ, được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Di chúc là một trong những giao dịch dân sự được pháp luật điều chỉnh. Vậy trong trường hợp này người giám hộ có được quyền lập di chúc thay cho người được giám hộ không?
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết."
Căn cứ Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Người lập di chúc bao gồm:
"1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc."
Quy định trên chỉ liệt kê trường hợp người dưới 15 tuổi chưa đủ năng lực hành vi dân sự có thể là người lập di chúc nếu cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Vậy những trường hợp còn lại thì sao?
Theo quan điểm của mình thì người giám hộ không thể lập di chúc thay cho những trường hợp còn lại vì di chúc là ý chí cá nhân của người có tài sản, những người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không thể thể hiện ý chí cá nhân của mình.