DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Mức phạt của hành vi mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng hóa đơn không hợp pháp

Avatar

 

Tình trạng mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng hóa đơn không hợp pháp ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự quản lý thuế, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội

Để chấn chỉnh hành vi vi phạm này, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Tổng cục Thuế cho biết, biện pháp chế tài xử phạt hành chính, chế tài hình sự đối với những hành vi này được quy định cụ thể như sau:

(1) Mức xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi cho, bán hóa đơn như sau:

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 45 triệu đồng đối với hành vi:

- Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành;

- Cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ các hành vi ở trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc hủy hóa đơn và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành cho, bán hóa đơn

Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng.

Bên cạnh đó, tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt là 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi này là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào NSNN; buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

Cuối cùng, với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm).

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào NSNN và điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

(2) Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với tội trốn thuế

Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cá nhân sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, đối với pháp nhân là mức xử phạt sẽ là từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu thuộc vào các trường hợp tăng nặng khung hình phạt, cá nhân vi phạm tội trốn thuế sẽ bị phạt tù lên đến 07 năm hoặc phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng; đối với pháp nhân mức phạt tối đa là 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn bị có thể phạt thêm tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân khi vi phạm có thể sẽ bị phạt thêm tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm

Đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu pháp nhân vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Nếu thuộc vào các khung hình phạt tăng nặng, cá nhân sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; đối với pháp nhân số tiền bị phạt tối đa là 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt thêm tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

  •  787
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…