DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Một số nội dung mới của Luật Thanh niên (sửa đổi) so với Luật Thanh niên năm 2005

Avatar

 

 

Ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi), số phiếu tán thành là 91.30% với 7 Chương, 41 Điều.

nội dung mới của Luật Thanh niên (sửa đổi) so với Luật Thanh niên năm 2005

Trong ảnh: Các Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ảnh: Dương Giang/TTXVN

So với Luật Thanh niên năm 2005 Luật Thanh niên được quốc hội xem xét, thông qua tăng 01 Chương và 05 Điều.

Chương I, Quy định chung gồm 11 Điều (Từ Điều 1 đến Điều 11) quy định:  Thanh niên; Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Hợp tác quốc tế về thanh niên; Tháng Thanh niên; Đối thoại với thanh niên và Áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Chương II, Trách nhiệm của thanh niên gồm 04 điều (Từ Điều 12 đến Điều 15) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân.

Chương III, Chính sách Nhà nước đối với thanh niên gồm 11 Điều (Từ Điều 16 đến Điều 26) quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó có 06 điều (từ Điều 16 đến Điều 21) quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 điều (từ Điều 22 đến Điều 26) quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: Chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Chương IV, Tổ chức thanh niên, gồm 4 điều (Từ Điều 27 đến Điều 30) quy định về tổ chức thanh niên; quy định về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và quy định về chính sách cùa Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.

Chương V, Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình gồm 05 điều (Từ Điều 31 đến Điền 35), quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên.

Chương VI, Quản lý nhà nước về thanh niên. Gồm 5 Điều (từ Điều 36 đến Điều 40), quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính  phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương VII, Quy định hiệu lực thi hành, gồm 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Một số nội dung mới của Luật Thanh niên (sửa đổi) so với Luật Thanh niên năm 2005

1. Không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định trách nhiệm của thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương (chương II) quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, các điều khoản thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Thanh niên cũng đồng thời là công dân, vì thế các quyền hoặc nghĩa vụ của công dân cũng chính là các quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Trong khi đó, các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp và các luật chuyên ngành quy định rất cụ thể, rõ ràng. Luật Thanh niên (sửa đổi) không quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trên các lĩnh vực cơ bản mà quy định thành 01 Điều quét chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ chung của thanh niên (Điều 4). Đồng thời, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương (Chương II) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên.

2. Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên.

Từ năm 2003, Đảng, Nhà nước đã lấy tháng 3 hàng năm là Tháng thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên - nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X quy định: Chính quyền các cấp định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Hiện nay, Lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng,  phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua hoạt động đối thoại với thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên, khắc phục nhược điểm đó, Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp.

3. Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên

Luật Thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên. Luật thanh niên sửa đổi lần này đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên (sửa đổi) đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên; trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên trên các lĩnh vực: Học tập và nghiên cứu khoa học; về lao động, việc làm; về khởi nghiệp; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, thể dục, thể thao, về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp; thanh niên từ đủ mười sáu tuối đến dưới mười tám tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số.

4. Tổ chức thanh niên

Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương quy định về tổ chức thanh niên (Chương IV) trong đó quy định về tổ chức thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên, chính sách của nhà nước đối với tổ chức thanh niên. Chương này đã cụ thể hóa tinh thần Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên, đặc biệt là đã có 01 Điều quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.

5. Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sỏe giáo dục, gia đình đối với thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương (Chương V) quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Cụ thể:

Luật quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được: Học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.

6. Về cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh  niên (sửa đổi) quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách  nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên

Theo Bộ Nội vụ

 

  •  2049
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…