DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Một số lưu ý về “điểm chữa cháy công cộng” mà ai cũng nên biết

Avatar

 

Điểm chữa cháy công cộng là gì? Điểm chữa cháy công cộng thường được bố trí ở đâu? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này và lưu ý một số điều cho người dân khi sử dụng điểm chữa cháy công cộng phòng xảy ra cháy nổ.

Trước đó, ngày 24/5 vụ cháy lớn tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến 14 người tử vong. Trước sự việc thương tâm này, người dân cả nước cũng từ đó rút kinh nghiệm mà nâng cao cảnh giác, ý thức về công cuộc phòng cháy, chữa cháy tại nơi ở để bảo đảm an toán tình mạng cho chính bản thân và gia đình.

(1) Điểm chữa cháy công cộng là gì?

Trước đó, theo Kế hoạch 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhắc đến 1 trong 2 mô hình toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN), cụ thể:

Điểm chữa cháy công cộng là nơi chứa các thiết bị chữa cháy giúp người dân hỗ trợ xử lý các sự cố hỏa hoạn cháy nổ tại các khu phố, ngõ hẻm nhỏ những nơi mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào để chữa cháy.

(2) Điểm chữa cháy công cộng được bố trí ở đâu?

Mô hình “điểm chữa cháy công cộng” thường được sử dụng cho các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được.

Người sử dụng phương tiện tại mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe và có kiến thức PCCC và CNCH; kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC trong các khu dân cư có bố trí, lắp đặt mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”

Các điểm chữa cháy được bố trí thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, CNCH; không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo (khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện khoảng 50m). 

(3) Mỗi điểm chữa cháy công cộng cần đảm bảo bố trí, trang bị những gì?

Ở mỗi điểm chữa cháy công cộng cần bố trí, trang bị phương tiện PCCC, CNCH như sau:

- Phải có quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH tại các điểm chữa cháy công cộng (trong đó quy định rõ việc sử dụng, quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phương tiện khu hỏng hóc hoặc sau khi sử dụng).

- Số lượng, chủng loại phương tiện tại mỗi điểm: 

+ 01 biển thông báo bằng tôn, nền màu đỏ, chữ màu vàng tiếng việt “ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG” và tiếng anh “PUBLIC FIRE-FIGHTING EQUIPMENT”; 

+ 02 bình bột chữa cháy loại ABC; 

+ Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH; 

+ Tối thiểu 01 xà beng hoặc kìm cộng lực (căn cứ điều kiện thực tế).

+ Ban hành, niêm yết quy trình xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ (các bước xử lý cháy, nổ, sự cố; số điện thoại liên hệ: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc App báo cháy 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND hoặc Công an cấp xã, Lực lượng dân phòng,...) và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

+ Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng vòi chữa cháy.

(4) Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ

Khi có cháy nổ, sự cố, người dân cần thực hiện:

- Người phát hiện cháy, nổ, sự cố, tai nạn hô hoán cho mọi người trong ngõ, hẻm biết;

- Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (qua số 114 hoặc App báo cháy 114), UBND hoặc Công an cấp xã;

- Sử dụng các phương tiện tại các điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, cần lưu ý những vấn đề sau, nếu gọi đến số điện thoại 114:

- Khi ở trong sự cố hoặc tình huống cháy, hoặc phát hiện sự cố, đám cháy, cần giữ bình tĩnh, cố gắng trấn an tâm lý cho những người xung quanh, thông báo cho người khác hoặc sử dụng điện thoại để gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH;

- Thời điểm gọi: Ngay khi xảy ra sự cố, nhận thấy ngoài khả năng xử lý của lực lượng tại chỗ, cần gọi ngay lập tức đến số điện thoại 114.

- Thông tin cần cung cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC đảm bảo trả lời được 3 câu hỏi: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu”, “Bạn nhìn thấy gì?”.

+ “Bạn là ai?”: Cần nói đủ họ và tên, cung cấp số điện thoại để lực lượng chữa cháy có thể liên lạc lại với bạn;

+ “Bạn ở đâu?”: Cần cung cấp chính xác địa chỉ cơ sở xảy ra cháy hoặc sự cố, điều này sẽ giúp lực lượng Cảnh sát PCCC đến địa điểm yêu cầu nhanh nhất;

+ “Bạn nhìn thấy gì?” Cần cung cấp thông tin về tình hình đám cháy hoặc đặc điểm sự cố: loại nhà, vị trí tầng bị cháy, chất cháy, tình trạng người bị nạn…

Như vậy, mô hình “điểm chữa cháy công cộng” này được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Các điểm “chữa cháy công cộng” sẽ được trang bị các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, xà beng, búa, kiềm cộng lực để phá dỡ, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC cho người dân có thể sử dụng khi có cháy nổ kịp thời mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào được.

Xem Toàn bộ Danh mục cơ sở, phương tiện PCCC tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP 

Tham khảo:

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xử lý thế nào?

Căn cứ tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:

Khung 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các hành vi khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

Trên đây là một số lưu ý cho người dân về điểm chữa cháy công cộng khi xảy ra cháy nổ, đồng thời nêu rõ mức phạt về vi phạm về quy định PCCC theo pháp luật hiện hành.

  •  1063
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…