Đối những chiếc xe hot trên thị trường hiện nay nếu không nhanh tay mua thì rất có thể những người muốn sở hữu chiếc xe mà mình yêu thích sẽ không thể mua được với giá niêm yết ban đầu nữa. Vì thế, để chắc chắn là người mua sẽ sở hữu chiếc xe đó khi được đưa ra thị trường thì họ phải ký kết hợp đồng đặt cọc với bên bán.
Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh lại lợi dụng hợp đồng đặt cọc để gây bất lợi cho người mua. Sau đây là một số thông tin mà người mua cần lưu ý khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua xe.
Tại sao phải lập hợp đồng đặt cọc khi mua xe?
Đầu tiên người mua xe cần hiểu đặt cọc là gì? Theo khoản 1 Điều 328 BLDS 2015 có giải thích như sau: Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Có thể hiểu đơn giản đặt cọc là hành vi dùng để cam kết giao dịch mua xe của các bên được đảm bảo thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ với nhau. Lợi ích của việc đặt cọc là người mua xe chắc chắn sẽ nhận được chiếc xe mà mình đặt mua sau khi hoàn tất hợp đồng. Còn đối với bên bán họ được đảm bảo việc ràng buộc khách hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với hàng hóa.
“Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó”.
Hình thức đặt cọc hợp đồng mua xe
Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 chưa có quy định cụ thể về hình thức xác lập đặt cọc tuy nhiên theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Mặt khác, tại các quy định về đặt cọc cũng không yêu cầu cụ thể việc đặt cọc có cần lập thành văn bản hay không?
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi thì người mua cần thỏa thuận với các bên lập thành văn bản để tránh các tranh chấp về sau dễ giải quyết hơn.
Như vậy, khi giao kết thỏa thuận đặt cọc hợp đồng mua xe người mua cần lưu ý phải xác lập thành văn bản và cam kết thỏa thuận giữa các bên.
Nội dung hợp đồng đặt cọc
Bên cạnh hình thức của hợp đồng và hình thức tài sản thanh toán thì người giao dịch hợp đồng đặt cọc mua xe cần lưu ý một số nội dung trong hợp đồng như sau:
Thứ nhất là xử lý tiền cọc khi đã thực hiện đúng mục đích đặt cọc:
Thì bên nhận đặt cọc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc, nếu bên đặt cọc là bên có nghĩa vụ trả tiền thì tài sản đặt cọc được coi là khoản tiền thanh toán trước.
Thứ hai là xử lý tiền cọc trong trường hợp các bên không hoàn thành nghĩa vụ:
Bên đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Trái lại, nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị của tài sản đặt cọc (trừ Trường hợp các bên có thoả thuận khác).
* Mới đây vụ việc xảy ra tại một cơ sở kinh doanh xe ô tô tại một đại lý ở Vũng Tàu và Hà Nội đã lợi dụng việc nhà sản xuất tăng giá thành xe Toyota Veloz Cross lên khoảng 10 triệu đồng để gài người đặt cọc mất trắng 50 triệu tiền đặt cọc trong trường hợp không có giao kết phát sinh giá sản phẩm trong tương lai mà người mua không thực hiện nghĩa vụ.
Cụ thể Điều 2 trong hợp đồng thỏa thuận mua xe, lại đưa nội dung: Khoản 1: "Thông qua Hợp đồng đặt xe này, bên B cam kết mua ô tô Toyota do bên A cung cấp theo giá niêm yết do Công ty Ô tô Toyota Việt Nam niêm yết tại thời điểm ký hợp đồng mua bán".
Trong trường hợp này người mua cần tìm hiểu trước các nội dung mà mình cần thỏa thuận trong đặt cọc tương tự như tình huống trên, nếu các bên không có thỏa thuận về việc xử lý thanh toán khi giá niêm yết phát sinh vấn đề từ nhà sản xuất thì bên chịu thiệt sẽ là người mua.
Tại đây sẽ có hai tình huống đặt ra bất lợi cho người mua:
Thứ nhất người mua chấp nhận giá niêm yết cao hơn 10 triệu đồng để nhận lại tiền cọc khi hoàn tất hợp đồng mua xe.
Thứ hai người mua không chấp nhận giá mới và chịu mất tiền cọc là 50 triệu đồng.
Như vậy, để tránh rơi vào trường hợp trên thì khi giao kết hợp đồng người mua cần phải thỏa thuận với bên bán về việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thời điểm tượng lai. Cụ thể ở đây là người mua có thể rút lại tiền cọc mà không phải chịu trách nhiệm khi giá niêm yết của xe tăng lên từ bên thứ ba.