Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm ly thân. Có thể hiểu một cách đơn giản, ly thân là trường hợp vợ chồng không còn chung sống với nhau, sinh hoạt chung với nhau. Ly thân là khoảng thời gian giúp hai vợ, chồng giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân và có thời gian riêng để suy nghĩ.
Ly hôn là chế định được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. Sự kiện này chỉ có Tòa án có thẩm quyền tuyên bố bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
Từ hai khái niệm ly thân và ly hôn, bạn đã biết được ly thân là sự thỏa thuận của vợ chồng và không chịu sự ràng buộc của pháp luật, còn ly hôn lại chịu sự kiểm soát, ràng buộc của pháp luật. Vậy pháp luật có quy định gì về vấn đề ly thân bao lâu thì được đơn phương ly hôn không?
Căn cứ để ly hôn đơn phương được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Theo đó, pháp luật Việt Nam không quy định ly thân bao lâu thì được đơn phương ly hôn. Vì vậy, bạn chỉ cần chứng minh đời sống vợ chồng bạn đang xảy ra những vấn đề như đã được nhắc đến trong quy định trên thì cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thực hiện thủ tục ly hôn cho bạn. Bên cạnh đó, ly thân cũng có thể coi là cơ sở để chứng minh cho việc đời sống vợ chồng đang có nhiều mâu thuẫn, không thể hàn gắn hay tiếp tục sống chung.
Tiến hành thủ tục ly hôn sau khi ly thân:
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân và có 02 hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và một bên gửi yêu cầu đơn phương ly hôn. Do đó, với mỗi loại hình thì sẽ yêu cầu điều kiện khác nhau.
Sau bước này, các bên chuẩn bị các giấy tờ về ly hôn để gửi Tòa án nơi cư trú để giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.
Cơ sở pháp lý tham khảo: Luật Hôn nhân và gia đình 2014