Ths NGUYỄN TRỌNG SƠN (Phó Chánh án TAND huyện Thanh Chương, Nghệ An) - Trong lúc đại dịch COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, để thực hiệm nghiêm Chỉ thị số 15, 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Chỉ thị số 02/2020 của Chánh án TANDTC thì việc lấy lời khai của đương sự qua mạng internet (gọi tắt là qua mạng) là một giải pháp tích cực. Tuy nhiên, lấy lời khai của đương sự qua mạng internet có được phép và có vi phạm BLTTDS hay không?
Việc lấy lời khai của đương sự theo Điều 98
BLTTDS là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ để dùng cho việc giải quyết vụ án và là công việc thường xuyên của các Thẩm phán khi giải quyết các vụ án dân sự nói chung. Tuy nhiên, lấy lời khai qua mạng là vấn đề mới nảy sinh. Về vấn đề này hiện nay đang có những quan điểm khác nhau.
Quan điểm 1: Việc lấy lời khời của đương sự qua mạng bằng các hình thức như: Zalo; facebook; điện thoại; email (có hình, hoặc không có hình ), đó là Thẩm phán dùng phương tiện điện tử cá nhân giới thiệu chức danh, trình tự và khi đương sự đồng ý, thì Thẩm phán sẽ tiến hành lấy khai. Sau khi kết thúc, Thẩm phán chuyển biên bản lấy lời khai cho đương sự, đương sự xem và thống nhất nội dung, Thẩm phán đề nghị đương sự ký vào biên bản và chuyển cho Tòa án để lưu vào hồ sơ, hoặc Thẩm phán có thể in ra và đến trực tiếp nhà đương sự để ký xác nhận nội dung ( giảm bớt thời gian tiếp xúc với nhau trực tiếp, tránh tụ tập đông người và đảm bảo sự an toàn và phòng chống dịch ) và lưu vào hồ sơ vụ án. Cách lấy lời khai như vậy không vi phạm nghiêm trọng BLTTDS, bởi các căn cứ sau:
– Điều 93 BLTTDS quy định về chứng cứ là những gì có thật, thì việc lấy lời khai của đương sự qua mạng là hoàn toàn thật, Thẩm phán lấy lời khai qua mạng được sự đồng ý và nhất trí của đương sự, sau đó đương sự đã xác nhận nội dung mà Thẩm phán chuyển tải vào Biên bản lấy lời khai đúng ý chí và nội dung đương sự đã trả lời.
– Khoản 2, 5 Điều 95 BLTTDS cũng đã ghi rõ “ Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh …”.
– Việc lấy lời khai của đương sự như trên cũng đảm bảo theo đúng nguyên tắc cơ bản của Điều 98 BLTTDS, đó là đương sự đã xem lại toàn bộ nội dung đã trả lời Thẩm phán và được chuyển hóa vào Biên bản lấy lời khai, sau khi xem xong đương sự đã ký vào biên bản.
– Việc lấy lời khai bằng hình thức trên cũng đảm bảo việc thực hiện nghiệm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 02 của Chánh án TANDTC về phòng chống dịch COVID-19, với tinh thần là đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng; đồng thời không đình trệ công việc, nhất là các công việc xét xử giải quyết các vụ án dân sự luôn luôn có thời hạn nhất định theo quy định của BLTTDS.
Quan điểm 2: Việc lấy lời khời của đương sự qua mạng bằng các hình thức là vi phạm nghiêm trọng BLTTDS, bởi vì:
– Tại khoản 1 Điều 98 BLTTDS, đã quy định “ Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án ”; đồng thời tại khoản 2 Điều 98 BLTTDS cũng đã quy định “ Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản ”.
Như vậy với các quy định này, thì Thẩm phán chỉ được lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài Tòa án và phải lấy lời khai trực tiếp; nếu lấy lời khai ngoài trụ sở phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Cho nên việc lấy lời khai của đương sự qua mạng không đảm bảo yếu tố là trực tiếp tại Tòa án và cũng không trực tiếp đương sự ngoài trụ sở, cũng không có xác nhận của người làm chứng hay xác nhận của chính quyền.
Trên đây là hai quan điểm khác nhau về việc lấy lời khai của đương sự, mong nhận được sự đóng góp ý kiến của mọi người quan tâm và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.