> Dương Chí Dũng và bản án tử hình phía trước
Chiều qua (16/12/2013), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (cấp sơ thẩm) đã tuyên án tử hình đối với cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng. Cùng chung với mức án phạt cao nhất với Dương Chí Dũng còn có cựu Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc; tám bị cáo còn lại bị phạt từ 4 đến 22 năm tù.
Về phần dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo tham ô tài sản phải nộp lại hơn 28 tỉ đồng chiếm đoạt, buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái liên đới bồi thường thiệt hại cho nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng phải nộp lại 10 tỉ đồng tham ô và bồi thường 100 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái (tổng cộng 110 tỉ đồng).
Dưới góc nhìn tố tụng, hiện tại đề cập tới khái niệm “thi hành án Dương Chí Dũng” là quá sớm bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực. Mặt khác, với mức phạt tử hình chắc rằng Dương Chí Dũng sẽ kháng cáo và trình tự phúc thẩm sẽ diễn ra.
Còn thực tế, việc “thi hành án Dương Chí Dũng” càng khó thực hiện. Giả định bản án sơ thẩm không bị kháng nghị, kháng cáo trong thời hạn; hoặc bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì Dương Chí Dũng cũng không có điều kiện để thi hành án một cách trọn vẹn. Phần thi hành án hình sự Dương Chí Dũng có thể thực thi nhưng phần dân sự thì vô cùng khó khăn (mà thực chất là không thể) vì tài sản Dương Chí Dũng không đủ 110 tỉ để bồi thường.
Từ đại án Vinalines, một lần nữa cho chúng ta thấy “luật quy định gây thiệt hại thì phải bồi thường” nhưng thực tế tài sản còn đâu mà bồi thường. Việc tử hình Dương Chí Dũng mang ý nghĩa răn đe là chính, còn khắc phục hậu quả là phần “nhỏ nhoi”.
Vì vậy, công cuộc phòng, chống tham nhũng cần ưu tiên “phòng” lên trước hết!
Đôi điều chia sẻ!