>>> Say rượu, bia gây tai nạn giao thông ở mức độ nào thì xử lý hình sự?
Tai nạn giao thông là việc mà không ai mong muốn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn ra hàng ngày với những hậu quả khác nhau. Khi đó, một trong những vấn đề được đặt ra là người gây tai nạn giao thông đường bộ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và trong trường hợp nào?
Người gây tai nạn giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017.
Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tham gia giao thông đường bộ dựa trên các yếu tố chủ thể, lỗi, thiệt hại sức khỏe, tính mạng của con người và thiệt hại về tài sản do tai nạn gây ra.
Như vậy, một người gây tai nạn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các dấu hiệu sau:
1. Người gây tai nạn đáp ứng 03 điều kiện:
+ Từ đủ 16 tuổi trở lên (Điều 12 Bộ luật hình sự);
+ Có năng lực trách nhiệm hình sự: không đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.(Căn cứ Điều 21 Bộ luật hình sự);
+ Là người đang tham gia giao thông đường bộ.
Trong đó, người tham gia giao thông gồm: người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ (Khoản 22 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008).
2. Hành vi của người gây tai nạn: tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Việc xác định hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo Luật giao thông đường bộ 2008 và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ như: lái xe không tuân thủ giảm tốc độ, tín hiệu báo hướng rẽ khi chuyển hướng, lùi xe tại nơi không được lùi, chạy xe quá tốc độ quy định…
3. Lỗi của người gây tai nạn: Lỗi vô ý.
Căn cứ Điều 11 Bộ luật Hình sự về vô ý phạm tội:
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đối với người gây ra tai nạn giao thông thì lỗi của họ phải là vô ý, nếu là lỗi cố ý sẽ không bị truy cứu theo Điều 260 mà có thể bị truy cứu các tội như: Tội giết người, tội cố ý gây thương tích…
4. Hậu quả gây ra:
Tùy vào mức độ hậu quả gây ra và tình tiết tăng nặng mà khung hình phạt được áp dụng khác nhau với mức hình phạt sẽ khác nhau.
Trường hợp 1: Nếu hậu quả gây ra thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự và không có các tình tiết định khung tăng nặng thì người gây tai nạn bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tùy theo quyết định của Tòa.
"Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
..."
Trường hợp 2: Người gây tai nạn sẽ bị phạt tù, nếu hậu quả gây ra thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Hậu quả nghiêm trọng hơn các hậu quả được liệt kê tại điểm a, c, d Khoản 1 Điều này;
+ Hậu quả thuộc trường hợp tại Khoản 1 Điều này và có thêm các tình tiết định khung tăng nặng như: Không có giấy phép lái xe...;
+ Hậu quả nghiêm trọng hơn các hậu quả được liệt kê tại điểm a, c, d Khoản 1 Điều này và có các tình tiết định khung tăng nặng.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả và tình tiết định khung tăng nặng mà Tòa án sẽ áp dụng Khoản 2 hay Khoản 3 Điều 260 Bộ luật này.
Trường hợp 3: Không xảy ra hậu quả trên thực tế, mà là hành vi vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả sau nếu không được ngăn chặn kịp thời:
- Làm chết 03 người trở lên;- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
thì người này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Bài viết là sự tìm hiểu của mình về vấn đề này, nếu các bạn có ý kiến nào hay thì cùng chia sẻ nhé.