DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Khi nào bị tước quốc tịch Việt Nam? Phản bội tổ quốc có bị tước quốc tịch không?

Avatar

 

Dạo gần đây vấn đề về gìn giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được người dân Việt Nam rất quan tâm. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan về nghĩa vụ của công dân và quy định về hành vi phạm tội phản bội Tổ quốc theo Hiến pháp 2013.

Phản bội Tổ quốc đi tù bao nhiêu năm?

Theo Hiến pháp 2013 tại Điều 45 nêu rõ Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

Hành vi phản bội tổ quốc có mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, cụ thể:

Căn cứ tại Điều 108 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội phản bội Tổ quốc như sau:

Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho:

- Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

- Chế độ xã hội chủ nghĩa 

- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Tiềm lực quốc phòng, an ninh

thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01-05 năm.

Ngoài ra, căn cứ tại Điều 122 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người phạm tội phản bội tổ quốc còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm: Cổng TTĐT Công an Quảng Bình nêu rõ:

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phản bội Tổ quốc:

Người phạm tội có hành vi câu kết với nước ngoài. Thuật ngữ “nước ngoài” được hiểu là tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hay cá nhân nước ngoài; câu kết với nước ngoài được hiểu là sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nước ngoài nhằm chống lại Tổ quốc. Người phạm tội câu kết với nước ngoài, dưới những hình thức cụ thể sau đây:

- Bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chính trị, chủ trương, phương thức, kế hoạch hoạt động trước mắt cũng như lâu dài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Nhận sự giúp đỡ của nước ngoài về vật chất, phi vật chất như tiền bạc, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, lương thực thực phẩm, khoa học, công nghệ…để chống lại Tổ quốc.

- Hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay, tạo điều kiện cho nước ngoài chống lại Tổ quốc.

Dù được thực hiện dưới hình thức nào, về thực chất, người thực hiện hành vi phản bội Tổ quốc chỉ là tay sai cho nước ngoài, được nước ngoài sử dụng như công cụ chống lại Tổ quốc mình.

Người phạm tội phản bội Tổ quốc có bị tước quốc tịch hay không?

Theo Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam, các trường hợp công dân bị tước quốc tịch Việt Nam được quy định như sau:

- Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi: Gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định thuộc căn cứ tước quốc tịch Việt Nam nêu trên.

Đồng thời, tại Điều 2 Luật Quốc tịch Việt Nam cũng nêu rõ, ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp vừa nêu trên.

Như vậy, công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam trừ khi công dân đang cư trú ở nước ngoài hoặc người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị tước quốc tịch Việt Nam.

Tóm lại, nếu người nào là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài mà phạm tội phản bội Tổ quốc câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh có thể bị tước quốc tịch Việt Nam.

Trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 32 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi thuộc căn cứ tước quốc tịch Việt Nam, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.

Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi thuộc căn cứ bị tước quốc tịch Việt Nam lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó. 

- Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. 

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

 Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam

Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 22 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, theo đó, trường hợp UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi thuộc căn cứ bị tước quốc tịch Việt Nam thì hồ sơ gồm có:

- Văn bản kiến nghị của UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;

- Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;

- Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.

Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi thuộc căn cứ bị tước quốc tịch Việt Nam kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người đó thì hồ sơ gồm có:

- Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam; 

- Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.

  •  224
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…