Thủ tục nhận cha, me, con là việc ghi vào sổ đăng kí hộ tịch để công nhận chính thức một người là cha hoặc là mẹ của người con trong trường hợp vào thời điểm đăng kí khai sinh cho người con mà người đó chưa được khai là cha hoặc là mẹ của người con đó.
Những người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014, trong đó quy định cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định cha, mẹ, con cho mình.
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con được chia thành 02 trường hợp, cụ thể như sau:
1. Không có yếu tố nước ngoài
*Thẩm quyền đăng ký: UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con (quy định tại Điều 24 Luật hộ tịch 2014)
*Những loại giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký nhận cha, mẹ, con (quy định tại Điều 25 Luật hộ tịch 2014)
- Tờ khai theo mẫu quy định;
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con (thông thường là Giấy xác nhận ADN hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng) (quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP)
*Lưu ý: Khi đăng ký nhận con thì cha mẹ các bên phải có mặt
2. Có yếu tố nước ngoài
*Thẩm quyền đăng ký: UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con (quy định tại Điều 43 Luật Hộ tịch 2014)
*Xác định các trường hợp nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài là việc đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa:
- Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
- Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài;
- Người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
* Những loại giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký nhận cha, mẹ, con (quy định tại Điều 44 Luật hộ tịch 2014)
- Tờ khai theo mẫu quy định;
- Giấy tờ hoặc đồ vật làm chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (thông thường là Giấy xác nhận ADN hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng) (quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP)
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân (trong trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau)
*Lưu ý: Khi đăng ký nhận con thì cha mẹ các bên phải có mặt
3. Nhận cha, mẹ, con trong một số trường hợp đặc biệt
Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định các trường hợp đặc biệt khi đăng ký nhận cha, mẹ, con cụ thể như sau:
1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.