Tìm hiểu về một số quy định của pháp luật về việc kết hôn, ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam.
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Đây là nội dung được quy định tại khoản 25 Điều 3 luật hôn nhân và gia đình 2014.
Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.
Người Việt Nam định cư tại nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam, đang làm ăn cư trú, sinh sống tại nước ngoài (Nghị định 138/2006/NĐ-CP). Lưu ý, theo như luật quốc tịch thì “ Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Những quy định trên là những quy định về đối tượng là chủ thể của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài, luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các điệu kiện kết hôn như sau:Trong việc kết hôn thì công dân Việt Nam sẽ phải tuân theo pháp luật của nước Việt Nam về điều kiện kết hôn (quy định tại Điều 8 luật HNGĐ 2014), công dân nước ngoài phải tuân theo các điều kiện kết hôn theo pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp việc tiến hành kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
Những thủ tục về đăng ký kết hôn được quy định tại chương III mục 1 về đăng ký kết hôn tại nghị định 126/2014/NĐ-CP.
Về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 127 luật hôn nhân gia đình 2014 : “1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Như vậy, tùy từng trường hợp khác nhau mà pháp luật Việt Nam sẽ có thẩm quyền trong việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, luật Việt Nam không được áp dụng trong mọi trường hợp ly hôn.
Trong trường hợp số 2 phải xác định được nơi thường trú chung của vợ chồng. Theo đó, nếu nơi thường trú chung của vợ chồng ở nước ngoài thì pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng để giải quyết.
Trong trường hợp số 3, với nguyên tắc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia nên việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài sẽ áp dụng pháp luật nơi có bất động sản đó. Ví dụ, vợ chồng ly hôn có tài sản là một căn nhà tại Pháp thì pháp luật của nước Pháp sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề chia tài sản đó.
Tuy nhiên, khi xác định các vấn đề về thẩm quyền tòa án nào có quyền giải cũng như luật áp dụng cần phải xem xét trước hết giữa Việt Nam và các quốc gia liên quan trong vụ việc trên có điều ước quốc tế không. Nếu có điều ước quốc tế thì phải ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.