Tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung, đi kèm hình phạt chính, áp dụng đối với người phạm tội, đó có thể là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để sung quỹ nhà nước.(điểm đ khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015)
1. Khái niệm tịch thu tài sản
Khái niệm tịch thu tài sản được quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể hiểu, tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
2. Mục đích của tịch thu tài sản
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.(Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Như vậy, đối với hình phạt tịch thu tài sản, pháp luật hình sự quy định về hình phạt này nhằm các mục đích sau:
- Làm cho người phạm tội không còn điều kiện kinh tế để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc nhằm để thu hồi triệt để các khoản thu lợi bất chính mà người phạm tội có được do thực hiện tội phạm.
- Đồng thời, hình phạt này còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
3. Nguyên tắc khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản
Khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản, Tòa án phải tuân theo các nguyên tắc dưới đây:
- Hình phạt tịch thu tài sản phải được đi kèm với một hình phạt chính
- Chỉ áp dụng hình phạt bổ sung đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội( khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015)
- Áp dụng đối với người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định;
- Chỉ tịch thu tài sản bất chính thuộc sở hữu của người bị kết án. Nếu tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều chủ sở hữu trong đó có người phạm tội, thì chỉ tịch thu phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội.
- Mức độ tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người bị kết án sẽ do Tòa án quyết định tùy thuộc vào tính chất phạm tội của người phạm tội trong từng vụ án.
- Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
4. Tịch thu tài sản có thể áp dụng với những loại tội phạm nào?
Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các loại tội phạm có thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản, cụ thể là áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định.
Theo đó, có thể căn cứ vào Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xác định về mức độ phạm tội làm căn cứ cho việc áp dụng hình phạt:
+ Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình
Như vậy, tịch thu tài sản có thể áp dụng với các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, và các tội phạm do Bộ luật hình sự quy định.