Bom, mìn có sức công phá lớn và luôn được pháp luật quy định, giám sát chặt chẽ. Vậy hành vi cưa bom, mìn gây chết người bị xử lý như thế nào?
1. Những quy định của pháp luật về bom, mìn
Căn cứ khoản 2, Điều 3 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định rất rõ: bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ là các vũ khí quân dụng.
Tiếp theo, ta căn cứ Điều 304 Bộ luật hình sự hiện hành, hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép bom, mìn… là trái pháp luật và có thể bị xử lý hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Vì vậy, để không vi phạm những điều trên ta cần tuân thủ theo đúng pháp luật được quy định tại Điều 63 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:
- Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.
- Quá trình tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, và tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, cũng như công cụ hỗ trợ đặt ra yêu cầu cần đảm bảo an toàn và hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ trong quá trình tiếp nhận và thu gom phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác, nhưng phải đảm bảo an toàn.
- Tiếp nhận và thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần được thực hiện đều đặn thông qua các đợt vận động.
- Vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ có giá trị sử dụng sau khi được phân loại sẽ được sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, và tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đối với các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, được quy định bởi Bộ trưởng Bộ Công an.
- Những người tham gia công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ, cũng như được trang bị thiết bị bảo vệ để đảm bảo an toàn.
2. Hành vi cưa bom, mìn gây chết người bị xử lý như thế nào?
Như đã đề cập ở trên, hành vi cưa bom mìn là vi phạm pháp luật theo Điều 304 Bộ luật hình sự 2015 , cụ thể:
- Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chưa kể đến, nếu hành vi cưa bom mìn, gây thiệt hại lên những người khác, ta căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ–HĐTP, xác định trách nhiệm bồi thường như sau:
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác.
Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định người được giao có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Như đã nói, bom, mìn là những vũ khí có sức công phá lớn nên thường những người tham gia hành vi cưa cũng là nạn nhân bị tử vong. Trong trường hợp đó, căn cứ Điều 585 và Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thực hiện hành vi phạm tội đã chết nên cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự và xem xét trách nhiệm hình sự đối với người gây ra vụ nổ. Nhưng phần đền bù bồi thường sẽ phải được giải quyết bởi những người thừa kế di sản trong phạm vi tài sản thừa kế ấy, còn nếu trong trường hợp không có di sản thừa kế, thì những người thừa kế không phải có trách nhiệm bồi thường.
Tham khảo: Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường đối với những nạn nhân bị bom nổ được quy định theo luật trên. Ngoài ra, tùy vào mức độ thương tích thực tế của nạn nhân mà ta sẽ xem xét các khoản bồi thường khác ví dụ như: bồi đắp tinh thần, chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng đối với những trường hợp nạn nhân tử vong.