DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Gửi xe ở chung cư bị mất, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Avatar

 

Theo Báo Công an Thành phố Đà Nẵng đưa tin, vừa qua lực lượng nghiệp vụ Công an TP Huế (Thừa Thiên-Huế) vừa triệt xóa một đường dây chuyên trộm xe máy tại các chung cư trên địa bàn. Không chỉ mỗi Huế, nạn trộm cắp xe tại chung cư diễn ra ở khắp đất nước ta và các đối tượng ngày càng manh động, gây thiệt hại không ít đến tài sản của người dân. Vậy, khi gửi xe ở chung cư và bị mất xe, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Thẻ xe có phải là hợp đồng gửi giữ xe không?

Hiện nay ở hầu hết các tòa chung cư đều có nhà xe và thuê bộ phận bảo vệ riêng để trông giữ xe. Thông thường, những hộ sống tại chung cư sẽ làm thẻ xe đóng tiền theo tháng, còn đối với khách ngoài sẽ gửi theo thẻ ngày. Vậy câu hỏi đặt ra là các thẻ xe này có phải là hợp đồng gửi giữ tài sản không?

Theo Điều 554 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Có thể thấy đã có sự thoả thuận giữa chủ xe và người nhận giữ xe, tức là chủ xe sẽ trả tiền để bên còn lại trông giữ xe cho mình trong thời gian mình gửi xe, bên nhận giữ xe sẽ đưa cho chủ xe chiếc thẻ để làm căn cứ chủ xe đã gửi xe tại chung cư. 

Như vậy, có thể xem thẻ xe là minh chứng cho việc tồn tại một hợp đồng gửi giữ tài sản giữa chủ xe và đơn vị trông giữ xe.

Nếu không có thẻ xe thì không có gì để chứng minh có tồn tại thỏa thuận gửi giữ tài sản, đồng nghĩa với việc không có căn cứ để yêu cầu các bên chịu trách nhiệm.

Xem bài viết liên quan: Gửi xe ở chung cư bị mất, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Mất xe ở chung cư ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Khoản 2 Điều 106 Luật Nhà ở 2014 giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm chi phí trông giữ xe, quy định này vẫn không có sự thay đổi theo Khoản 2 Điều 151 Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 01/01/2025. Giá dịch vụ gửi xe cũng được Luật Nhà ở các năm giữ nguyên thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Do đó, cá nhân, tổ chức thực hiện trông giữ xe và thu phí trông giữ xe không phải Ban quản lý mà thường sẽ do Ban quản lý thuê một đơn vị độc lập bên ngoài.

Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 557 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên giữ tài sản là bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Như vậy, khi bị mất xe thì bên nhận giữ xe sẽ chịu trách nhiệm. Tức là bên mà Ban quản lý chung cư thuê để cung cấp dịch vụ trông giữ xe cho các cư dân.

Gửi xe ở chung cư bị mất có được bồi thường không?

Theo Điều 556 Bộ luật dân sự 2015, bên gửi tài sản có quyền:

- Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo Điều 557 Bộ luật dân sự 2015, bên giữ tài sản có nghĩa vụ:

- Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

- Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

- Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; 

Nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

- Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đồng thời, Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Căn cứ Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Tổng hợp lại, khi tài sản (chiếc xe) bị mất do, chủ xe có quyền yêu cầu bên nhận trông giữ xe bồi thường thiệt hại cho mình.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên. Trường hợp này người mất xe có quyền yêu cầu người giữ tài sản bồi thường toàn bộ thiệt hại. Đồng thời có thể yêu cầu Tòa án buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần, mức bồi thường căn cứ vào nội dung vụ việc. 

Xem thêm chi tiết: Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực ngày 01/01/2025 thay thế Luật Nhà ở 2014.

Xem bài viết liên quan: Gửi xe ở chung cư bị mất, ai sẽ chịu trách nhiệm?

  •  893
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…