Mới đây trên mạng xã hội lan tỏa một đoạn clip giữa CSGT Cát Lái và người vi phạm giao thông là Việt kiều Đức về việc CSGT xử lý vi phạm và tiến hành tạm giữ phương tiện và cho rằng bằng lái xe quốc tế không có giá trị ở Việt Nam đã gây xôn xao dư luận. Thực hư câu chuyện này như thế nào? Cùng tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này nhé.
Giấy phép lái xe quốc tế (gọi tắt là IDP) là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna cấp theo một mẫu thống nhất. Việt Nam chính thức là thành viên của Công ước năm 1968 về Giao thông Đường bộ kể từ ngày 20/8/2014. Công ước này quy định các quốc gia ký kết phải công nhận GPLX quốc tế và được lái xe hợp lệ trên lãnh thổ của mình, miễn là giấy phép đó vẫn còn hiệu lực và được cấp bởi quốc gia ký kết.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ thì người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, có nhu cầu lái xe ở Việt Nam, nếu có GPLX quốc gia, phải làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam.
Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT. Nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong GPLX mà không phải đổi sang GPLX Việt Nam.
Vậy bằng lái xe của Việt Nam có được chấp nhận ở nước ngoài không?
Câu trả lời là có nhé. Các quốc gia tham gia công ước Vienna chấp nhận GPLX của các nước thành viên tại chính nước đó. GPLX quốc tế không có hiệu lực lưu hành trong nước, điều này cũng đồng nghĩa với việc, người Việt Nam có thể sử dụng GPLX quốc tế để điều khiển phương tiện giao thông tại các quốc gia là thành viên của Công ước.
Về thủ tục cấp IDP ở Việt Nam: cá nhân nộp đơn đề nghị cấp theo mẫu ban hành tại Phụ lục IV Thông tư 29/2015/TT-BGTVT. Khi nộp đơn phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu, nộp trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để thực hiện kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của việc cấp IDP. Trường hợp đơn đề nghị không đúng theo quy định thì hướng dẫn thực hiện ngay khi tiếp nhận. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp IDP cho cá nhân; trường hợp không cấp IDP thì phải trả lời và nêu rõ lý do.
Theo đó bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp có thời hạn không quá 3 năm kể từ ngày cấp và phải phù hợp với hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT và không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam (Khoản 2, Điều 10, Thông tư 29/2015/TT-BGTVT).
Xét lại nội dung câu chuyện ban đầu, CSGT nhấn mạnh việc giấy phép lái xe không có giá trị ở Việt Nam và tiến hành xử lý vi phạm. Nếu theo dõi kỹ nội dung, chúng ta sẽ thấy được người vi phạm chưa xuất trình được GPLX quốc gia, nên dù có GPLX quốc tế cũng sẽ không có giá trị thay thế. Xét trên phương diện của CSGT, kiên quyết xử lý vi phạm là đúng, nếu như câu nói thể hiện sự nóng vội, mất bình tĩnh trong mắt cấp trên thì đây lại là cái nhìn đánh giá của dư luận cho sự thiếu hiểu biết. Dù là cái đánh giá nào đi chăng nữa cũng cần sự lên tiếng rõ ràng cho sức nóng phản hồi hiện nay.
Bạn đánh giá hành động của anh CSGT này theo trường phái nào?