Nuôi con khi không đăng ký kết hôn - Ảnh minh họa
Trên thực tế có nhiều trường hợp hai người nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, như vậy trường hợp hai người không còn muốn chung sống nữa thì giải quyết quyền nuôi con như thế nào? Dưới đây là quan điểm của người viết.
Thứ nhất, về quan hệ chung sống không đăng ký kết hôn
Khi hai người nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, căn cứ theo Điều 14, 15, 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (LHNGĐ), cần lưu ý những điều sau:
- Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng
=> Tức hai người nam và nữ này không phát sinh các quyền, nghĩa vụ giữa vợ với chồng (như các quan hệ tài sản chung, chịu trách nhiệm liên đới, v.v)
- Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo các quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con của pháp luật về hôn nhân và gia đình. (Điều 15)
- Quyền và nghĩa vụ về tài sản của nam, nữ trong trường hợp này được giải quyết theo thỏa thuận của các bên, nếu không thể thỏa thuận thì có thể giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật liên quan. (Điều 16)
>> Sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?
Thứ hai, về quyền nuôi con
Quan hệ hôn nhân chỉ phát sinh giá trị pháp lý khi hai người có đăng ký kết hôn (Khoản 1 Điều 9 LHNGĐ) chính vì vậy khi hai người này không còn muốn chung sống như vợ chồng, quan hệ hôn nhân không phát sinh, đồng nghĩa với việc không có thủ tục ly hôn và việc giành quyền nuôi con sẽ có sự khác biệt đối với trường hợp ly hôn.
Khoản 2 Điều 68 LHNGĐ quy định:
“Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Theo đó, quyền và nghĩa vụ đối với con trong trường hợp này không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân mà phụ thuộc vào quan hệ giữa cha mẹ và con.
Lúc này, xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp 1: Trong khai sinh của con có đầy đủ cha mẹ
Trường hợp quan hệ giữa cha, mẹ, con đã rõ ràng, việc giải quyết quyền nuôi con sẽ tương tự như khi ly dị, theo đó:
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. (Khoản 2 Điều 81 LHNGĐ)
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. (Khoản 3 Điều 81 LHNGĐ)
Trường hợp 2: Trong khai sinh của con chỉ có cha hoặc mẹ
Theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì trong trường hợp chưa xác định được cha mẹ, một trong hai người vẫn có thể làm giấy khai sinh cho con. Lúc này về mặt pháp lý, người trực tiếp có quyền nuôi con chính là người có tên trong giấy khai sinh của con.
*Lưu ý: Khi không có giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì sau khi không còn chung sống, nghĩa vụ cấp dưỡng của người không được quyền nuôi con là rất khó xác định, như vậy sẽ có khả năng người trực tiếp nuôi con tuy không đủ điều kiện nuôi dưỡng nhưng không có căn cứ ràng buộc người kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
>> Hướng dẫn chi tiết thủ tục nhận cha, mẹ, con
Kết luận, việc giải quyết quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn phụ thuộc phần lớn vào thỏa thuận của hai bên, nếu không thể thỏa thuận, căn cứ xác lập quyền - nghĩa vụ giữa cha mẹ và con sẽ là cơ sở giải quyết tranh chấp này.