Đơn phương ly hôn với người nước ngoài - Ảnh minh họa
Những trường hợp ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam được giải quyết trên căn cứ nào? Bài viết phân tích một số nội dung liên quan tới vấn đề này.
Điều kiện để giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam
Trước hết, khi phân tích các vấn đề liên quan đến ly hôn có yếu tố nước ngoài, cần xác định thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) trong trường hợp ly hôn này.
Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (LHNGĐ) quy định TAND tại Việt Nam sẽ giải quyết những vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam.
- Việc ly hôn mà bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn nhưng vợ chồng không có nơi thường trú chung (tức hai người này không ở cùng 1 quốc gia, nhưng 1 người là công dân Việt Nam thì Tòa án Việt Nam vẫn sẽ giải quyết)
- Việc ly hôn có yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản mà tài sản đó xác lập tại Việt Nam.
Mặt khác tại Điểm d Khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì “Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam” thuộc thẩm quyền của TAND tại Việt Nam
Tiếp đến, trong quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu không được cấp hoặc xác nhận ở Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. (Điều 124 LHNGĐ)
Giải quyết một số trường hợp đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Trường hợp 1: Cả hai người đang thường trú tại Việt Nam
Lúc này theo nguyên tắc Luật nơi cư trú (lex domicilli) trong tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng giải quyết là Luật pháp Việt Nam, tức cho dù việc kết hôn xác lập bằng pháp luật của nước nào thì khi ly hôn vẫn áp dụng theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy, trường hợp này người muốn đơn phương ly hôn sẽ áp dụng các quy định pháp luật về đơn phương ly hôn theo Pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú (Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015)
Trường hợp 2: Cả hai người đều không thường trú ở Việt Nam nhưng có một người có quốc tịch Việt Nam
Lúc này theo nguyên tắc Luật quốc tịch (lex patriae) trong tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng giải quyết là Luật pháp Việt Nam và giải quyết đơn phương ly hôn theo pháp luật Việt Nam.
Trong quá trình tìm hiểu, người viết chưa tìm thấy căn cứ giải quyết thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện trong trường hợp này. Bởi lẽ cả nguyên đơn và bị đơn đều không có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, mà theo nguyên tắc tại Điều 39 BLTTDS thì đơn khởi kiện phải được nộp tại nơi bị đơn cư trú, vậy trường hợp bị đơn chưa từng cư trú cũng như chưa từng có tài sản ở Việt Nam thì giải quyết như thế nào, có thể nộp đơn tại nơi cư trú cũ khi nguyên đơn còn ở Việt Nam hay không?
Trường hợp 3: Người yêu cầu ly hôn đang ở Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam:
Trường hợp này cần xác định căn cứ xác lập Hôn nhân là tại nước nào, trong trường hợp hôn nhân không xác lập ở Việt Nam nhưng vẫn muốn giải quyết đơn phương ly hôn tại Việt Nam thì phải thực hiện Hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều 124 LHNGĐ.
Giống như ở trường hợp 2, lúc này giả sử bị đơn chưa từng cư trú tại Việt Nam và cũng chưa từng có tài sản ở Việt Nam thì Tòa án nào sẽ thụ lý đơn khởi kiện này, có thể nộp tại nơi cư trú của nguyên đơn hay không?
>> Mẫu đơn yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn xem tại đây
Lưu ý trong quá trình thực hiện yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn
Khi thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan đến ly hôn mà người yêu cầu không ở Việt Nam, cần lưu ý quy định tại Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015:
“Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Theo đó tại Khoản 2 Điều 51 nêu trên:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Chiếu theo các quy định được trích dẫn, việc thực hiện yêu cầu đơn phương ly hôn phải được trực tiếp thực hiện tại Tòa cho dù người yêu cầu có ở Việt Nam hay không, trừ trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Như vậy người yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn theo pháp luật Việt Nam cần xác định xem trường hợp ly hôn của mình có đủ những điều kiện để giải quyết theo thẩm quyền của TAND tại Việt Nam hay không và phải trực tiếp thực hiện thủ tục tố tụng trừ một số trường hợp được ủy quyền cho người thân.