DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Giấc mơ lấy chồng nước ngoài

Avatar

 

Người Việt Nam nghĩ như thế nào về cuộc sống của người nước ngoài, họ giàu có, nhiều tiền, cuộc sống của họ khá giả hơn mình nhiều? Nhiều gia đình có con gái thậm chí là bản thân các cô gái đều nghĩ đến chuyện lấy chồng ngoại quốc sẽ đổi đời. Đúng là cuộc đời của họ sẽ thay đổi nhưng không theo cái mà họ đang ảo tưởng và hướng đến.

Một cô gái ngây thơ lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn đợi đàn ông Hàn Quốc sang tuyển vợ. Cuối cùng đến lần thứ 3, có một người đàn ông hơn cô 15 tuổi đã chỉ tay vào cô. Cô lại nô nức gọi về cho má thông báo “Má ơi con đậu rồi”. Để rồi bao nhiêu chuẩn bị, mong chờ kết thúc khi cô nhảy lầu chết chỉ sau 25 ngày làm dâu tại Hàn Quốc vì không chịu được sự bạo hành của gia đình nhà chồng.

Trong hàng chục nghìn cô gái Việt lấy chồng ngoại, không ít người hạnh phúc, nhưng số người gặp bất hạnh cũng không kém. Nhiều người trong đó, bằng nhiều cách, trốn thoát, ly dị, nhờ ai đó can thiệp, về lại được quê nhà. Nhưng gần như tất cả lại tiếp tục ra đi.

Một cô gái lần đầu kết hôn với một người đàn ông Đài Loan, sang đến nơi mới biết ông ta có vợ con. Vợ ông bảo “Tôi đã mất tiền thuê dịch vụ kiếm cô về đây, cô phải phục vụ cả gia đình này”. Cô hiểu ra vì họ thuê giúp việc theo tháng mắc hơn nhiều. Cô phục vụ 4 người gia đình họ cùng với ông bố chồng nằm liệt. Mấy năm sau mới trốn thoát về được Việt Nam. Nhưng rồi cô cũng tiếp tục phận làm dâu xứ người khi cưới người đàn ông Đài Loan thứ hai, cô phải xin chồng đi rửa chén ở quán ăn để nuôi cha mẹ, anh chị và cháu đang chờ ở quê. (Tham khảo nguồn VnExpress)

 

Những câu chuyện trên đây chỉ là mảnh ghép nho nhỏ về cuộc đời của các cô gái lấy chồng nước ngoài. Chưa kể đến những sự thật đáng sợ đằng sau chuyện người nước ngoài vào Việt Nam tuyển vợ hay là tuyển “gái” khi mà một số cô gái sang đó phải “phục vụ nhu cầu” cho cả nhà chồng hay bị ép đưa vào các ổ chứa. Như vậy thì chuyện mối mai lấy chồng ngoại có được xem như là hình thức buôn bán phụ nữ trá hình hay không?

Nếu nói mua bán phụ nữ là sử dụng hành vi ép buộc, trái ý muốn của người đó, còn các cô gái lấy chồng ngoại xuất phát từ sự tự nguyện và nhu cầu đổi đời của họ và gia đình liệu có đúng hay không? Nhiều cô gái ngậm ngùi rời xa quê hương vì sức ép đến từ gia đình, cái nhìn soi mói, so sánh của chòm xóm, không cần biết cô gái đó ra sao, cứ có tiền gửi về cho cha mẹ sắm sửa, xây nhà mới là đã nở mày nở mặt lắm rồi. Cha mẹ cờ bạc, làm ăn thua lỗ rồi túng quẫn, nghe lời hay ý đẹp của những kẻ mai mối mà đẩy con mình đi lấy chồng nước ngoài.

Sự hoạt động của các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp có được kiểm soát khi mà các cô gái bị xem như những “món hàng” ngồi đấy mà chờ khách đến lựa chọn. Khi chọn xong thì chỉ việc đưa tiền rồi đưa người đi, sòng phẳng như một cuộc mua bán. Nhiều cô gái ngây thơ chưa từng bước chân ra khỏi làng xã làm sao biết hết được những cạm bẫy trong xã hội. Họ chỉ nhìn thấy một bức tranh đẹp, một tương lai sáng lạn do những bà mai vẽ ra, đến khi dấn thân vào, họ mới nhận ra được đời không như là mơ và họ muốn tìm cách giải thoát cho bản thân, đương nhiên có người may mắn tìm được đường về, có người chôn vùi cuộc đời tại đó và cũng có người tìm đến cái chết để giải thoát. Những kẻ môi giới thì trốn biệt sau khi nhận được tiền, rồi lại tiếp tục đi lừa lọc những cô gái nhẹ dạ cả tin khác. Và lại thêm nhiều cuộc đời thương tâm tiếp diễn. Những hành vi như vậy rõ ràng pháp luật có điều chỉnh nhưng làm thế nào phát hiện kịp thời để điều chỉnh còn phải nhờ nhiều vào sự tố giác sớm của người trong cuộc.

  •  23684
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…