Thay đổi phương thức kinh doanh khi nhận quyền thương mại - Ảnh minh họa
Nhượng quyền thương mại là một hình thức thỏa thuận kinh doanh phổ biến tại Việt Nam, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo những điều kiện nhất định. Khi nhận quyền, trường hợp nào thì được tự ý thay đổi nguyên tắc kinh doanh?
Về hình thức:
Hợp đồng nhượng quyền thương mại (HĐNQTM) phải được thành lập văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 285, Luật thương mại 2005).
Về chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại tồn tại hai chủ thể, đó là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. HĐNQTM là những thỏa thuận của hai chủ thể này về nội dung của hoạt động nhượng quyền.
Từ đó, Điều 288 Luật Thương mại 2005 xác định quyền của bên nhận quyền thương mại như sau:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
2. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Tương ứng với đó là các nghĩa vụ tại Điều 289:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
2. Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
3. Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
5. Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
6. Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
7. Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Tại Khoản 6, ta thấy quy định người nhận quyền có thể điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại, vậy như thế nào là phù hợp?
Xuất phát từ bản chất hợp đồng nhượng quyền thương mại là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền và cũng chính là căn cứ cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, vậy căn như thế nào là “phù hợp” sẽ phải dựa trên những quy tắc riêng mà hai bên đã thỏa thuận từ đầu. Nếu việc thỏa thuận không đạt được sự thống nhất, bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền theo Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP:
a) Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.
b) Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
c) Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uytín của hệ thống nhượng quyền thương mại.
d) Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ bên nhượng quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc thay đổi nguyên tắc kinh doanh khi là người nhận quyền thương mại.