THÔNG TƯ
Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Doanh nghiệp
----------------------------
- Căn cứ Luật Kế toán ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ các chuẩn mực kế toán Việt Nam có liên quan;
- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán.
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
CHƯƠNG I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với hệ thống tài khoản của mình.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
1. Các quy định tại Thông tư này áp dụng cho việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.
2. Việc xác định các khoản doanh thu, thu nhập tính thuế và chi phí được trừ khi nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 3. Các thuật ngữ
Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. Tỷ giá giao dịch thực tế:
1.1. Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ:
a. Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (Hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;
b. Tỷ giá giao dịch thực tế khi nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng mà nhà đầu tư chuyển tiền góp vốn tại ngày góp vốn;
c. Trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì doanh nghiệp được quyền chủ động lựa chọn tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch và phù hợp nhất với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh;
1.2. Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ.
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập báo cáo tài chính;
1.3. Tỷ giá giao dịch thực tế khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và quy đổi tài sản và nợ phải trả khi chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng đồng ngoại tệ ra Việt Nam Đồng: Là tỷ giá mua bán bình quân của một ngân hàng thương mại do doanh nghiệp tự lựa chọn tại thời điểm thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
2. Tỷ giá ghi sổ gồm: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.
- Tỷ giá ghi sổ thực tế đich danh: Là tỷ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ được xác định theo tỷ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh của từng đối tượng.
- Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền là tỷ giá được sử dụng tại bên Có tài khoản tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở lấy tổng số Việt Nam Đồng chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán.
3. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ bao gồm các khoản:
a. Tiền mặt, các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng (có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn) bằng ngoại tệ;
b. Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
- Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
- Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc doanh nghiệp không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
c. Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ được quyền nhận lại; Các khoản nhận đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ phải hoàn trả.
d. Các khoản đi vay, cho vay bằng ngoại tệ.
4. Trái phiếu tương tự không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu: Là trái phiếu có cùng kỳ hạn, phát hành trong các điều kiện tương tự như khi phát hành trái phiếu chuyển đổi nhưng không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu.
5. Lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường: Là lãi suất đi vay được sử dụng trong phần lớn các giao dịch trên thị trường. Doanh nghiệp được chủ động xác định mức lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường một cách phù hợp nhất với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
6. Vàng tiền tệ: Là vàng được sử dụng với các chức năng của tiền tệ (cất trữ giá trị), không bao gồm các loại vàng được phân loại là hàng tồn kho sử dụng với mục đích là nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hoặc hàng hoá để bán.
Tải toàn văn dự thảo tại đây