DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người trên 60 tuổi

Avatar

 

Những thông tin cần biết khi người trên 60 tuổi mới bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chưa có lương hưu.

1/ Đối tượng áp dụng

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ giới hạn độ tuổi tối thiểu tham gia BHXH tự nguyện chứ không giới hạn độ tuổi ngừng đóng BHXH. Vì vậy, người cao tuổi trên 60 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu.

2/ Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ sau:

- Chế độ hưu trí

Chế độ hưu trí bao gồm quyền được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nếu không còn nhu cầu đóng tiếp hoặc đóng BHXH tự nguyện từ đủ 20 năm trở lên để hưởng lương hưu.

- Chế độ tử tuất

Chế độ tử tuất, người cao tuổi đóng bảo hiểm xã hội không phải người được trực tiếp hưởng quyền lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội mà là thân nhân của người này. Khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mất, thân nhân của họ sẽ có cơ hội được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất 1 lần.

3/ Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH thì người già trên 60 tuổi có phương thức đóng BHXH tự nguyện như sau:

+ Đóng hằng tháng;

+ Đóng 03 tháng một lần;

+ Đóng 06 tháng một lần;

+ Đóng 12 tháng một lần;

+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

+ Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, đối với người già trên 60 tuổi (đã đủ tuổi nghỉ hưu) mới bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện thì có thể lựa chọn đóng theo một trong các phương thức sau: đóng hằng tháng hoặc 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần. Cho đến khi có thời gian đóng BHXH tự nguyện cao hơn 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Sau khi đóng đủ 20 năm BHXH tự nguyện thì người này có thể làm thủ tục hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

4/ Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì hằng tháng người tham gia đóng BHXH tự nguyện đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

- Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Nếu trong thời gian đóng gộp phí tham gia BHXH mà Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

- Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

- Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

- Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

+ Dừng tham BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc;

+ Hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

+ Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện trong trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 6 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hoặc hoàn trả cho thân nhân NLĐ trong trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 6 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, để khuyến khích NLĐ tự do tham gia BHXH, nhà nước còn hỗ trợ một phần mức đóng cho những người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

5/ Mức hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện

- Được chi trả lương hưu hằng tháng nếu tích lũy từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Mức hưởng lương hưu khi đóng đủ 20 năm BHXH là: 

+ Nam được hưởng 45% mức bình quân thu nhập đóng bảo hiểm.

+ Nữ được hưởng 55% mức  bình quân thu nhập đóng bảo hiểm.

- Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức hưởng bằng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

- Người tham gia BHXH tự nguyện qua đời, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất 01 lần.

Lưu ý: Người tham gia BHXH tự nguyện không đương nhiên được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế.

Người tham gia BHXH tự nguyện muốn hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế phải đăng ký mua thêm bảo hiểm y tế.

Trên đây là một số thông tin về mức đóng cũng như phúc lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người trên 60 tuổi tham gia.

 

 

  •  297
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…