Trên thực tế, việc người lao động xin phép người có thẩm quyền trong doanh nghiệp để được nghỉ phép nhưng thông thường, lại bị “gây khó dễ” từ phía doanh nghiệp. Vậy nếu người lao động muốn được nghỉ phép theo đúng quy định của pháp luật nhưng lại không được doanh nghiệp cho phép thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật lao động 2012 về nghỉ hằng năm:
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Tại Điều 112 của Bộ luật này còn quy định thêm trường hợp ngày nghỉ phép tăng theo thâm niên. Pháp luật quy định cho người lao động được quyền nghỉ phép với số lượng ngày tương ứng mỗi năm, để đảm bảo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian lao động mệt mỏi, cũng như để lấy lại sức lao động, góp phần đem lại hiệu quả lao động cao.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không cho phép người lao động được nghỉ phép theo đúng quy định của pháp luật thì Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2015/NĐ-CP), doanh nghiệp có thể bị xử lý hành chính do vi phạm quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi với hình thức phạt tiền và có thể kèm theo hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.