DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng theo Nghị định 102

Avatar

 

Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024. Trong đó, có quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng.

Đất trồng lúa, đất rừng là gì?

Theo Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, trong đó:

- Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:

+ Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;

+ Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.

- Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:

+ Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;

+ Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;

+ Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.

Như vậy, đất trồng lúa là một loại đất trồng cây hằng năm, đất rừng bao gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất là các loại đất lâm nghiệp.

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng theo Nghị định 102 

Theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi từ mục đích sử dụng đất này sang mục đích sử dụng đất khác theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Theo đó, tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác được quy định tại Điều 46 Nghị định 102/2024/NĐ-CP bao gồm:

- Chuyển mục đích sử dụng từ 02 ha trở lên:

+ Có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

+ Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;

+ Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Trường hợp khác:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng từ 02 ha trở lên thì sẽ phải có phương án theo quy định và có đánh giá tác động môi trường. Đối với dưới 02 ha thì sẽ đáp ứng điều kiện cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định.

Thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

Theo Điều 122 Luật Đất đai 2024:

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đáp ứng các căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

(Trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định)

- Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.

Theo đó, Điều 50 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác như sau:

- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn trước thời điểm lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai 2024.

- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai có trách nhiệm lập danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo quy hoạch trình UBND cấp tỉnh đồng thời khi trình kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

- Trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Như vậy, chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng khi được cơ quan chức năng cho phép, mà cơ quan chức năng chỉ được cho phép khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và đáp ứng các căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

  •  294
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…